Văn minh Việt cổ “bị đánh cắp” như thế nào? [21/09/2013]
GS.TSKH Hoàng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Unesco, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa phương Đông đã tìm ra những chứng cứ chứng minh về những phát minh lý thú của người Việt trong thời kỳ dựng nước bị kẻ xâm lược cố tình xóa bỏ và đánh tráo. Đó là nền văn hóa nhân bản - là nền văn minh "Lịch toán - Nông nghiệp"...
Nước Việt có trước thời Hùng Vương
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của sử gia đời Trần là Lê Văn Hưu sau này được Ngô Sĩ Liên đời Lê biên soạn lại cho đến cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thời Pháp thuộc và các bộ Lịch Sử Việt Nam của nhiều tác giả Viện Sử Học thời hiện đại thì: Nước ta được thành lập từ thời Hồng Bàng, với vị vua đầu tiên là Kinh Dương Vương vào năm Nhâm Tuất, tức năm 2879 trước Công nguyên, tính đến năm 2013 này thì đã 4.892 năm. Sau Kinh Dương Vương là 18 đời các Vua Hùng nối tiếp, với tên nước là Văn Lang. Nước Văn Lang thời đó rộng lớn, phía Bắc là miền đồng bằng phì nhiêu thuộc lưu vực sông Dương Tử giáp Hồ Động Đình, phía Nam giáp Lâm ấp (Chiêm Thành cũ), Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Đông. Ngay tên Kinh Dương Vương cũng đã mang ý nghĩa rõ ràng về "vua của hai vùng đất rộng lớn là châu Kinh và châu Dương cổ" - nay đã thuộc Trung Quốc. Nhiều người còn nghi ngờ về thời kỳ lập nước xa xôi trên với lý do duy nhất là 18 đời vua Hùng không thể kéo dài đến hàng ngàn năm (mỗi đời vua trong các Triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn sau này cũng chỉ từ 15 - 30 năm). Thời các vua Hùng nếu mỗi đời kéo dài đến 50 năm thì 18 đời Hùng Vương cũng chỉ là 900 năm. Như vậy, thời Hùng Vương kéo dài đến hàng ngàn năm là hoang đường! Tuy nhiên, nếu xét thời gian chỉ ngắn ngủi như trên thì không phù hợp với nhiều hiện tượng lịch sử bành trướng xâm lược của Đế quốc Hán Mông xưa. Vì vậy, 18 đời vua Hùng chỉ là 18 chi họ Hùng Vương, mỗi chi gồm nhiều vị nối tiếp nhau cai trị đất nước, đều gọi là đời Hùng Vương thứ nhất, hoặc thứ hai... Nếu chi họ đó không có con trai hay người tài nối vị thì dòng họ gần kề sẽ lên nối ngôi và được gọi là đời Hùng Vương thứ ba hay thứ tư... Điều này phù hợp với thời đại Thái cổ của Tổ tiên xưa: Người đứng đầu các bộ lạc thời "săn bắn và thuần hóa súc vật" đều được gọi là Phục Hy; người đứng đầu các bộ lạc thời "nông nghiệp đầu tiên" đều được gọi là Thần Nông. Vì vậy, thời Phục Hy và Thần Nông, mỗi thời kỳ đều có nhiều vị đứng đầu cùng tên nối tiếp nhau. Tiếp đến thời Hùng Vương cũng thế: Thời Hùng Vương thứ nhất hay thứ hai, thứ ba... cho đến thứ 18, mỗi đời đều gồm nhiều vị vua Hùng. Thời gian như thế mới phù hợp với nhiều hiện tượng lịch sử liên quan đến dân tộc Việt cổ mà các sử gia Trung Quốc sau này cũng đã ghi.
Nước Văn Lang được thành lập dưới thời Kinh Dương Vương chắc chắn là vào thời kỳ nền nông nghiệp đã phát triển khá mạnh vì thời đó đã có nền lịch toán vững chắc để phục vụ nghề nông. Tuy nhiên, đất nước rộng lớn của cư dân Bách Việt xưa - từ khi lập nước - đã liên tục suốt hàng ngàn năm bị dân du mục Hán - Mông thiện chiến, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, ở phía Bắc sông Hoàng Hà xâm chiếm và bị thu hẹp cho đến khi chỉ còn lại phần đất phía Nam bao gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và đồng bằng Bắc bộ cho đến Đèo Ngang xưa và cả vùng đất còn lại này lại bị dân Hán - Mông đô hộ thêm một ngàn năm nữa. Trong suốt nhiều ngàn năm liên tục bị đánh phá và bị đô hộ, nền văn hóa nông nghiệp xưa cũng bị xóa sạch vết tích. Tuy nhiên, những tinh hoa của nền văn hóa nông nghiệp đó thì không thể xóa hết và được kẻ xâm lược trị vì tiếp thu và biến thành nền văn hóa chính quốc. Nền văn hóa Khoa Đẩu xưa - mà lịch sử cổ còn ghi - cùng nền văn hóa kế thừa Khoa Đẩu là nền văn hóa Việt Nho cũng bị xóa bỏ. Phần tinh hoa không xóa nổi thì biến thành nền văn hóa Hán Nho của chính quốc.
Người Việt nghiên cứu Vũ trụ từ khi ra đời
Những cứ liệu còn ghi trong lịch sử Trung Quốc chứng tỏ lịch sử lâu đời của Việt Nam và chính người Việt là người có nhiều phát minh vĩ đại: Nghiên cứu vũ trụ, lịch số... trong đó, lịch rùa chứng minh Việt Nam ra đời trước Trung Quốc. Cổ sử Trung Quốc viết: "Vào thời vua Nghiêu (năm 2357 trước CN - tức trước khi nước Trung Hoa ra đời rất lâu; sau khi nước Văn Lang được thành lập 522 năm), có sứ giả Việt Thường (1) đến Kinh đô tại Bình Dương (phía Bắc sông Hoàng Hà - tỉnh Sơn Tây ngày nay) để dâng hai con Thần Quy, vuông hơn ba thước, trên lưng có khắc chữ Khoa Đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở trở về sau...". Vua Nghiêu sai người chép lại và lưu vào "tàng thư" gọi là "Lịch Rùa" (2). Sách "Thông Chí" của Trịnh Tiều xưa cũng đã ghi rõ về việc Thị tộc Việt Thường tặng lịch Rùa cho vua Nghiêu. Nếu tính từ năm thành lập nước Văn Lang đến nay thì lịch rùa chắc chắn cũng đã có từ gần 5.000 năm trước. Tại sao vào thời xa xưa đó mà người Việt Thường lại có thể giải thích được "việc trời đất từ khi mới mở đến sau này"? Rõ ràng họ đã có một nền văn minh "lịch toán" rất phát triển. Vì sao? Vì đó là yêu cầu của nền nông nghiệp đã được hình thành từ lâu đời (nghề canh tác lúa nước). Để dự báo thời tiết cho nông nghiệp bắt buộc họ phải phát triển lịch toán. Và cơ sở của "Lịch Toán" này chắc chắn đã được khắc trên mai rùa đem sang tặng vua Nghiêu để cầu bang giao. Vì thế mà cổ sử Trung Quốc mới ghi lại là "... trên lưng rùa khắc chữ Khoa Đẩu ghi việc trời đất từ khi mới mở trở về sau này". Như vậy là người Việt Thường đã nghiên cứu vũ trụ rất sớm, đã đi sâu tìm hiểu vũ trụ từ khi mới sinh thành và đã đem những hiểu biết đó để làm lịch phục vụ nông nghiệp. (1) Việt Thường: Ngay tên Việt Thường mà thời vua Nghiêu gọi tên nước Văn Lang xưa cũng thể hiện "dân tộc trồng lúa nước". Theo cụ Nguyễn văn Tố (trong Sử ta so với sử Tầu) thì Việt Thường là tên để chỉ cái "xiêm" của người Việt cổ trồng lúa nước, vì chưa có bang giao, người Tầu xưa (dân Hán - Mông) chưa hiểu rõ nên gọi luôn tên dân mặc "xiêm" là tên nước. Tên Việt Thường xuất hiện từ đó. Về sau khi đã có chữ viết, các nhà chép sử buổi sơ khai cứ theo cách gọi cũ ghi tên Việt Thường để chỉ vùng đất phát triển nhất của dân Bách Việt. (2) Lịch rùa: Lịch đã được khắc trên mai rùa mang sang cống vua Nghiêu chỉ có thể là hai bảng Âu Đồ và Lạc Thư - cơ sở của Lịch toán xưa - mà sau này người Trung Quốc đã đổi tên gọi là Hà Đồ và Lạc Thư cho hợp với sự giải thích hoang đường và thần bí của họ. Hai bảng Âu Đồ và Lạc Thư chính là cơ sở của Lịch Toán Can Chi đã được hình thành từ thời cổ đại và đã được sử dụng trong các nước Á Đông cho đến tận ngày nay.
GS.TSKH Hoàng Tuấn (Giám đốc Trung tâm Unesco,
chuyên gia nghiên cứu về văn hóa phương Đông)