Kinh Dương Vương [24/04/2013]
Thời Lê Thánh Tông, sử gia Ngô Sĩ Liên chép “Kỷ Hồng Bàng”:
“Tổ tiên người Việt có vua đầu gọi là Kinh Dương Vương tinh thần đoan chính, có đức tính của thánh nhân. Vương lấy con gái thần Động Đình sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trứng nở ra thành 100 con. Lạc Long Quân mang 50 con đi khai phá miền biển, Âu Cơ mang 50 con đi khai phá miền núi. Con trưởng nối ngôi là Hùng Vương, đặt quốc hiệu là Văn Lang, định đô ở Phong Châu, chia thành 15 bộ. Hùng Vương trải 18 đời”.
Kỷ Hồng Bàng kéo dài từ năm 2879 đến năm 258 trước công nguyên.
Đền thờ Kinh Dương Vương nằm ở khu đất thoáng rộng ở giữa thôn Á Lữ, rộng đến 3.000m2, cảnh quan rất đẹp. Bên trong hậu cung đền có ba ngai thờ:
Ngai Kinh Dương Vương đặt ở gian giữa, ngai Lạc Long Quân ở bên phải, ngai Âu Cơ đặt ở bên trái. Ngoài các đồ thờ cúng, đền có lưu giữ 15 đạo sắc phong thời Nguyễn, khẳng định đền thờ Kinh Dương Vương là lăng tẩm đế vương bằng chữ Hán, có một sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 33, tạm dịch là: Xã Á Lữ từ lâu phụng thờ đền Kinh Dương Vương, vị vua khai sáng văn minh, thánh của người Việt. Chuẩn cho tiếp tục thờ theo nghi lễ quốc khánh.
Cách đền thờ độ 300m, ra ngoài đê là khu lăng mộ Kinh Dương Vương nằm trên gò đất cao ráo ven sông Đuống, khu lăng rộng 6000m2 , um tùm cây cổ thụ. Thời Minh Mạng, lăng được tu bổ lập bia (được tạm dịch): Lăng miếu ngày xưa còn dấu tích thiêng liêng tại đây. Nơi thờ cúng này được cả nước sùng kính.
Đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương trường tồn cùng với thời gian, luôn được nhân dân và Nhà nước bảo vệ, trùng tu tôn tạo, xây dựng lại với đạo lý vấn tổ, tầm tông.
Hồng Bàng là tổ nước ta
Nước ta khi ấy tên là Văn Lang.
Lễ hội Kinh Dương Vương luôn được duy trì nhiều nghi lễ và một số hoạt động dân gian. Từ năm 2000, Nhà nước ta tổ chức quốc giỗ 10-3. Con cháu thập phương về dự hội Kinh Dương Vương diễn ra đồng thời với đền Hùng ở Phú Thọ. Vị thánh mở nước luôn được đời đời ngưỡng vọng.