Đi tìm ngôi miếu cổ nhất Việt Nam [07/04/2015]
Nghi lễ dâng hương tại lễ hội Hồng Ân (Cầu Đinh) tại Hùng Vương Tổ miếu ngày 7 Tết hằng năm
1. Hùng Vương Tổ Miếu thờ 3 vị Lạc tướng thời Vua Hùng. Trong miếu có 3 bát hương cổ bằng đất sét nung và 3 cỗ ngai ghi rõ: Ất Sơn đại vương, Viễn Sơn đại vương, Áp Đạo đại vương. Bên ngoài đề: Hùng Vương Tổ Miếu. Hai bên là hai câu đối: Miếu mạo thọ sơn hà/ Linh thanh chương nhật nguyệt. Tạm dịch: Miếu này thọ cùng sông núi/ Tiếng linh thiêng rõ như mặt giăng mặt giời. Nguyên mẫu kiến trúc Hùng Vương Tổ Miếu giống kiểu nhà sàn khắc trên trống đồng - nhà sàn của thời Hùng Vương. Miếu rộng khoảng 15m2, 4 góc là 4 cột lim to, mặt sàn lát gỗ, cách mặt đất 80cm, xung quanh đóng đố lát ván, nhiều họa tiết hoa văn rất đẹp mắt. Tại lễ hội, chúng tôi gặp ông Đỗ Văn Xuyền, người đã dành gần trọn cuộc đời để nghiên cứu và phục dựng chữ Việt cổ. Ông Xuyền đã 80 tuổi, dáng vẻ yếu mệt. Ông nói mình bị ốm sau khi dựng xong miếu, chắc do dồn nhiều tâm lực cho công trình này. Nhưng khi trao đổi về ngôi miếu, vẻ mặt ông tươi tỉnh hẳn, giọng nói càng lúc càng rành rọt hơn. Ông Đỗ Văn Xuyền cho biết, trong quá trình nghiên cứu thực địa, năm 1993, ông tìm thấy một ngôi miếu đổ nát nhưng có vẻ rất kỳ lạ. Khi đem so sánh với số liệu của một ngôi miếu cổ đã hóa thạch, do người Pháp tìm ra bên bờ sông Mã năm 1925 và miêu tả trên tạp chí Bác Cổ năm 1937 thì thấy giống hệt nhau, cả về chiều cao, hình dáng… Sau đó, ông tìm trong cuốn sách “Nam Việt thần kỳ hội lục” của Bộ Lễ thời nhà Lê, năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), chép về 2.824 ngôi miếu thờ thần ở Đại Việt, thấy ghi Hùng Vương Tổ Miếu ở làng An Thái (thuộc xã Phượng Lâu - Việt Trì - Phú Thọ) là ngôi miếu cổ nhất. Khi đối chiếu với Ngọc phả của làng An Thái, ông Xuyền càng có căn cứ để khẳng định đây là ngôi miếu cổ nhất Việt Nam, lần trùng tu gần đây nhất là năm 128, tức ngôi miếu đã tồn tại ít nhất khoảng 2.000 năm. Ông Đỗ Văn Xuyền cho biết thêm, Hùng Vương Tổ Miếu là nơi thờ Tổ tiên Lạc Việt, các vị Vua Hùng, các vị đại vương - bao gồm 3 vị đại vương được thờ trong miếu ở vị trí trung tâm theo nghĩa canh giữ cho Vua Hùng. Ông cũng đã tìm được nhiều di vật xung quanh miếu.
Bia ghi lại lịch sử Tổ Miếu Vua Hùng
2. Nhiều bô lão trong làng cho biết, xưa kia vùng đất bao quanh ngôi miếu gọi là Rừng cấm và Núi cấm rộng 6 héc ta, có hồ Thiếc rộng lớn bao bọc xung quanh, là nơi Vua Hùng bàn việc cơ mật với các vị Lạc hầu, Lạc tướng. Đến thời Hai Bà Trưng, trong cuộc khởi nghĩa đánh quân Nam Hán, nơi đây đã từng được sử dụng làm địa điểm luyện quân bí mật. Mặt khác, ngôi miếu rất linh thiêng, nên dân không sống trong khu vực này. Năm 2014, ngôi miếu đã được chính quyền xã Phượng Lâu trùng tu theo nguyên mẫu. Các hiện vật cổ bên trong vẫn được giữ nguyên, gồm 3 bộ cỗ ngai, bát hương, mũ và đôi hia (đôi giày cổ). Một số hạng mục khác trong khu di tích cũng sẽ được tiếp tục trùng tu bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Sau khi trùng tu, bức đại tự ghi tên miếu và đôi câu đối hai bên cửa miếu viết bằng chữ Hán đã được bỏ đi, thay vào đó là chữ quốc ngữ và chữ Việt cổ. Giải thích về điều này, ông Đỗ Văn Xuyền cho rằng, sau khi phục dựng thành công chữ Việt cổ, các nhà khoa học đã công nhận đó là chữ của người Việt Nam cổ đại, đó cũng chính là chữ được tìm thấy ở một số khu vực khảo cổ từ 12.000 năm trước của các tộc người Việt, sống ở phía Nam Trung Quốc ngày nay. Vì vậy dùng chữ Việt cổ để ghi ở bên ngoài ngôi miếu là hợp lẽ.
Hát xoan tại Tổ Miếu Vua Hùng (làng An Thái là nơi phát tích của Hát Xoan)
3. Làng An Thái cũng là cái nôi của các làn điệu hát Xoan cổ. Cụ thủ từ Nguyễn Văn Thiện cho biết, đây chính là nơi phát tích. Bà Quế Hoa, bà tổ của điệu hát Xoan là người làng An Thái. Bà hát hay đến nỗi, lúc vợ Vua Hùng bị động thai, nghe hát đã quên hết đau đớn. Nhân đó, Vua Hùng đã đặt tên cho làng là An Thai (An Thái), đồng thời chỉ dụ bà Quế Hoa dạy lại các điệu hát cho cung nữ học theo. Từ đó, hát Xoan được lưu truyền tới ngày nay, trở thành một “đặc sản” văn hóa Việt Nam, được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể nhân loại. Ngay trong lễ hội cầu đinh, người dân đã được thưởng thức những làn điệu hát Xoan mượt mà. Người hát dường như đã hóa thân thành bà Quế Hoa xinh đẹp thủa xưa, đằm thắm trong bộ áo tứ thân nâu đỏ, với khăn mỏ quạ, quần nái đen, đôi tay búp măng xinh xắn xoay xoay nhịp nhàng theo từng lời hát. Hùng Vương Tổ Miếu có phải là ngôi miếu cổ nhất Việt Nam? Hát Xoan phát xuất từ làng An Thái đúng hay không? Rất cần các bằng chứng khoa học thuyết phục. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phục dựng theo nguyên mẫu một ngôi miếu cổ, cũng như việc gìn giữ văn hóa nguyên gốc là việc làm đáng trân trọng của chính quyền và nhân dân địa phương. Đó là bằng chứng về sức sống mãnh liệt của bản sắc văn hóa Việt Nam trong dòng chảy lịch sử thời đại.
Ông Trần Huy Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Lâu: "Ngôi Hùng Vương Tổ miếu nằm trong quần thể di tích gắn với hát Xoan, là di sản đã được Nhà nước công nhận. Làng An Thái chỉ có duy nhất một ngôi miếu cổ này. Địa phương chưa tiến hành xác minh niên đại của ngôi miếu, do chưa có điều kiện phù hợp". |
Theo Hanoimoi
Bài viết khác
- Nhiều bí ẩn trong bức thư họa "triệu đô" vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông
- Thế giới sửng sốt vì bức ảnh "sự khác biệt ở Tòa thánh Vatican năm 2013 và 2005"
- Đôi nét về tổ chức quân đội thời Hùng Vương
- Nghệ thuật ngoại giao tôn giáo trong lịch sử Việt Nam
- UNESCO công nhận danh thắng Tràng An là Di sản thế giới