Nghi vấn sau kế hoạch của Trung Quốc [02/04/2013]

Cố đứng vững trước từng cơn gió đang rít lên từng hồi, ông nông dân chăn cừu 75 tuổi, Bragi Benediktsson, trông ra xa về phía khu đất của gia đình - dải đất đầy tuyết và băng đá mà vị tỷ phú người Trung Quốc có ý định biến thành một sân golf. Ông còn đang chưa hết băn khoăn "làm sao người ta có thể chơi được golf ở nơi đây?"

Đã 11 giờ trưa, mặt trời mới chỉ lấp loáng phía xa. Những cơn mưa tuyết bắt đầu từ tháng 9, và sẽ không chấm dứt cho tới tận tháng 5. Ngay cả những người dân Iceland vốn quen với khí hậu khắc nghiệt và sự cô lập với bên ngoài, Grimsstadir vẫn là một nơi quá đỗi hoang vu.

Nhưng nhờ một nhà tài phiệt yêu thơ người Trung Quốc với niềm đam mê những bông tuyết trắng, nơi đây đã trở thành bối cảnh cho một câu chuyện đang rộ lên ở Iceland về một mưu đồ địa chính trị, liên quan đến hàng triệu USD và vô khối những ý đồ đen tối. Trung tâm của vở kịch này là Huang Nubo, một cựu quan chức Trung Quốc, hiện là chủ một hãng phát triển bất động sản ở Bắc Kinh. Ông muốn xây dựng một khách sạn sang trọng và "một sân golf sinh thái" cho giới nhà giàu Trung Quốc thích tìm kiếm bầu không khí sạch và yên bình.

 

"Đó chẳng thể là một dự án kinh doanh thuyết phục lắm", Bộ trưởng Nội vụ Iceland, Ogmundur Jonasson, người năm ngoái vừa từ chối đề nghị miễn áp dụng luật hạn chế sở hữu đất đai của người nước ngoài đối với ông Huang, thốt lên. Ông nói thêm: "Nó đặt ra nhiều nghi vấn không đáp án".

Ông Jonasson tỏ ra hoài nghi với ý đồ đằng sau sự quan tâm đầy tò mò của Trung Quốc đối với Grimsstadir. Ông chia sẻ: "Có người nói cần phải nhìn nhận từ quan điểm địa chính trị và đặt câu hỏi về động cơ của họ".

Sau lần đầu tiên bị từ chối đề nghị mua một diện tích đất hoang rộng hơn 100 dặm vuông, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh của Huang, tập đoàn Zhongkun, đang đẩy nhanh một thỏa thuận thuê đất dài hạn - và tiếp tục hy vọng các cuộc bầu cử tại Iceland trong tháng tới sẽ dẫn tới một chính phủ mới nhiệt thành hơn đối với họ.

Chính phủ Icelan hiện nay, một liên minh trung tả, hầu như thờ ơ với ông Huang. Ngay cả các bộ trưởng vốn ủng hộ đầu tư Trung Quốc cũng băn khoăn về điều đang diễn ra.

Ngoại trưởng Ossur Skarphedinsson cho biết, ông không thấy có lý do gì phải ngăn chặn dự án đầu tư khách sạn của ông Huang, có giá trị hơn 100 triệu USD, nhưng cũng thấy bối rối bởi tham vọng xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại nơi biệt lập đến mức "bạn gần như có thể nghe thấy tiếng ma quỷ nhảy múa trong mưa tuyết". Về việc chơi golf tại đây, ông Skarphedinsson nói thêm, "nghe có vẻ rất không hợp lý".

Những băn khoăn như vậy đã làm rộ lên những đồn đoán về nhà tài phiệt Trung Quốc và có lẽ cả chính quyền Trung Quốc với vai trò đằng sau vụ việc. Một kiến nghị của Zhongkun Group về việc cải tạo đường băng nhỏ ở khu vực Grimsstadir và mua 10 máy bay đã làm nảy sinh những tin đồn một căn cứ không quân của Trung Quốc. Nhắm tới địa điểm có vị trí liền kề khu vực vịnh nước sâu ở bờ biển đông bắc của Iceland và gần mỏ dầu ngoài khơi, Trung Quốc có thể đang thúc đẩy một căn cứ hải quân và khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Bắc Cực.

Trả lời cho câu hỏi bằng văn bản, Xu Hong, phó chủ tịch công ty, bác bỏ tin đồn về mục đích quân sự và "các động cơ kín đáo trên" là "phán đoán của lối tư duy hậu chiến tranh lạnh". Bà phân tích, công ty lựa chọn Grimsstadir vì "có nhu cầu thị trường ở Trung Quốc" về sự thanh bình và yên tĩnh. "Đa số người Trung Quốc ngày nay không muốn đến những nơi bụi bẩn và ồn ào", bà nói.

Thế nhưng, với nhiều người Iceland, ông Huang đang dẫn đầu một âm mưu nhằm bảo đảm một chỗ đứng chiến lược an toàn của Bắc Kinh ở Iceland, một thành viên NATO gần như hoàn toàn không có sức mạnh quân sự. Iceland cũng nằm chắn ngang một tuyến đường tương lai sẽ trở thành tuyến vận tải biển quan trọng khi băng bao phủ ở Bắc Cực tan dần.

Trung Quốc đã công khai tuyên bố quan tâm đến các tuyến vận tải biển thông qua Bắc Cực và muốn sử dụng Iceland làm một trung tâm giao thông trong tương lai, ông Skarphedinsson cho biết. Nhưng mục tiêu này, ông nói thêm, đang gặp khó khăn bởi người Iceland đang nghi ngờ động cơ của ông Huang.

Ngoại trưởng Iceland phát biểu: "Có một điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ thất bại từ thời Mao Trạch Đông là quan hệ công chúng (PR), nhưng cuộc PR trong dự án đầu tư này đã thất bại thảm hại".

Hẳn không ít người đã biết đến sự quan tâm sâu sắc của Bắc Kinh đối với Iceland, quốc gia nằm ngay sát Greenland và khu vực Bắc Cực. Trung Quốc đang đàm phán một hiệp định Khu vực thương mại tự do với Iceland, hiệp định tương tự đầu tiên với một quốc gia châu Âu, và năm ngoái, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã có chuyến thăm 2 ngày tới đây. Tàu phá băng Snow Dragon của Trung Quốc cũng từng dừng lại tại Iceland hồi năm ngoái như một phần trong nỗ lực thúc đẩy của Bắc Kinh nhằm giành quyền tham gia với tư cách quan sát viên Hội đồng Bắc Cực, một cơ quan gồm có Mỹ, Canada, Nga, Iceland và các quốc gia miền tây Bắc Âu ở trong hay gần vùng biển Bắc Cực.

Trung Quốc đã mở cửa đại sứ quán lớn nhất của mình tại Reykjavik (thủ đô Iceland), ít nhất là về mặt vật chất, cho dù chỉ có 7 nhà ngoại giao chính thức.

Einar Benediktsson, nguyên đại sứ Iceland tại Washington và người luôn chỉ trích việc mở rộng mối quan hệ với Bắc Kinh, phát biểu: "Không ai biết điều gì đang chờ đợi phía trước. Tất cả những gì chúng ta có thể hiểu là thực tế Trung Quốc rất cần một chỗ đứng ở Bắc Cực, và Iceland là một con mồi dễ dàng".

Sự nhiệt tình của ông Huang ban đầu không gây nhiều nghi ngại. Ít ai quan tâm khi năm 2010 ông bất ngờ xuất hiện tại Reykjavik để nối lại tình bạn đã "bỏ quên" từ lâu với Hjorleifur Sveinbjornsson, một dịch giả văn học Trung Quốc mà ông từng ở cùng phòng tại Đại học Bắc Kinh những năm 1970.

Trong chuyến đi đầu tiên của mình tới Iceland vào năm 2010, ông Huang không hề nhắc tới bất kỳ dự án kinh doanh nào mà chỉ tập chung vào thơ ca, tuyên bố, ông sẽ chi tới 1 triệu USD để thành lập và tài trợ cho Quỹ Văn hóa Trung Quốc - Iceland. Quỹ do ông Huang đứng đầu và từ đó đã tổ chức 2 hội nghị các nhà thơ, cuộc đầu tiên tại Reykjavik năm 2010, và cuộc thứ hai tại Bắc Kinh diễn ra một năm sau đó.

Hội nghị thứ ba tại Nauy dự kiến diễn ra năm ngoái đã bị hoãn lại sau khi công ty của ông Huang tuyên bố không chấp nhận địa điểm Nauy. Ông Sveinbjornsson cho biết công ty đã không đưa ra lý do giải thích nào, nhưng ông ông cho rằng có mối liên hệ giữa sự sự phản đối của Bắc Kinh đối với Nauy trong vụ trao giải thưởng Nobel Hòa bình 2010, tại Oslo, cho nhà văn bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba.

Chưa đầy 1 năm sau chuyến thăm đầu tiên, ông Huang trở lại Iceland và đề nghị với ông Benediktsson, một nông dân nuôi cừu, mua mảnh đất của ông và một số họ hàng của ông với giá 7 triệu USD. Một dự án kinh doanh được Zhongkun Group đệ trình lên chính phủ năm sau đó, nói rằng "vị trí hoàn toàn phù hợp với hoạch định chiến lược của chúng tôi và phát triển khu nghỉ dưỡng sinh thái thân thiện với môi trường ở những khu vực xa". Công ty cho biết, sẽ xây dựng một khách sạn 5 sao với 100 phòng, nhiều biệt thự sang trọng và sân golf.

Mặc dù xây sân golf ở nước ngoài đang trở nên thịnh hành, nhưng sân golf ở nơi như thế này, với nhiều người, là một sự đánh cược khó thành công. "Tôi đã xem xét dự án này rất sát sao và tìm hiểu tất cả các tài liệu, và tôi thực sự thấy lo lắng", ông Edward Huijbens, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Du lịch Iceland tại Akureyri, một thị trấn lớn ở bắc Iceland, phát biểu. "Toàn bộ dự án này về cơ bản là rất kỳ lạ".

Nhưng chiến lược kinh doanh của ông Huang có lẽ đã gây ấn tượng với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (một ngân hàng nhà nước), mà theo Zhongkun Group, năm ngoái đã được "thỏa thuận hợp tác" với công ty này trị giá khoảng 800 triệu USD. Bà Xu cho biết, ngân hàng này "sẽ cung cấp khoản cho vay và hỗ trợ tài chính để hiện thực hóa các dự án của Zhongkun, bao gồm không chỉ các dự án ở Iceland".

Benediktsonn cũng đang dao động trong việc có nên bán tài sản của mình hay không. Ông không muốn nơi đây sẽ tràn ngập khách du lịch và tay golf Trung Quốc.

Trâm Anh

Theo The New York Times

liên kết website

đối tác

GIA PHUC SS Sunny mountain TC Kinh tế Châu Á - TBD