Cựu dị nhân "đuổi mưa" nói về tân dị nhân "hô mưa" [23/08/2013]
"Duyên đuổi mưa và hô mưa"
Hiện tượng này (anh Lê Minh Hoàng, sinh năm 1967 ở thôn Phúc Khê, xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), đặt vấn đề trên báo về khả năng "hô mưa"- PV) khiến tôi là người "có duyên" và được tham gia trình bày cách nhìn của bản thân về hiện tượng này. Có lẽ tôi phải nhắc lại cái "duyên" này một chút: Bắt đầu từ sự kiện kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Mọi chi tiết của lễ kỷ niệm đều đã chuẩn bị chu đáo, vấn nạn cần giải quyết là thời tiết Đại lễ có mưa lớn hay không? Để giải quyết vấn đề này, ban tổ chức chuẩn bị phương án 2, là tiến hành nghi lễ trong nhà.
Ngày ấy, tôi đã xác định trước hai tháng rằng: Sẽ không có mưa trong thời gian Đại lễ. Các phương tiên truyền thông đại chúng mô tả tôi như là một "dị nhân đuổi mưa". Đấy chính là cái "duyên" để tôi và anh Lê Minh Hoàng có sự tương đồng. Và cũng như tôi, anh Hoàng bị dư luận tỏ ra hoài nghi trước khi sự kiện được chứng nghiệm.
Tôi nghĩ sự hoài nghi này của dư luận cũng có nguyên do chính đáng. Đó là vì khả năng đó ở con người không phải là hiện tượng phổ biến. Thậm chí trong lịch sử văn minh Đông phương, những hiện tượng về khả năng của con người gây ảnh hưởng đến thời tiết cũng chỉ là những truyền thuyết rất hiếm hoi. Chưa nói đến khả năng này chỉ được mô tả trong truyện thần thoại. Và chính vì được mô tả hầu hết trong thần thoại, nên con người dễ huyễn hoặc hóa các hiện tượng liên quan.
Những truyền thuyết về con người có khả năng "đuổi mưa" này rất ít. Trong Tam quốc chí có mô tả một vị tu sĩ là Vu Cát cũng có khả năng này. Ông bị chém vì có khả năng này, chính quyền Đông Ngô cho rằng ông dùng tà thuật mê hoặc con người. Hoặc trong truyện Thủy Hử cũng nói về Ngô Dụng với Cao Liêm trong một trận chiến cũng dùng khả năng kỳ lạ như vậy.
Ở Việt Nam cũng có truyền thuyết về vị đạo sĩ ở chùa Nôm - Hà Nội đã tạo ra một trận mưa máu, đuổi quân Minh định phá chùa. Hoặc cách đây 200 năm truyền thuyết về vợ chồng vị đạo sĩ ở Hàm Tân - Phan Thiết cũng có khả năng ngăn mưa. Hai ngài đã giúp dân lành qua những cơn bão lụt, nên được lập đền thờ... Những vị đạo sĩ trong truyền thuyết này, được dân gian miêu tả là có khả năng "hô phong hoán vũ".
Nhưng vì khoảng cách thời gian giữa các truyền thuyết rất dài. Nếu theo tinh thần khoa học nghiệm chứng thì có thể nói rằng những truyền thuyết hiếm hoi trong khoảng thời gian quá dài và một không gian rộng là không thể nghiệm chứng được và trở nên mơ hồ. Bởi vậy, khi có người như anh Hoàng công khai đặt vấn đề và bị dư luận hoài nghi là điều dễ hiểu.