Việt Nam đóng tàu cảnh sát biển, kiểm ngư [31/05/2013]

 

Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại QH hôm nay (30/5), ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cho biết trước việc phía Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền trên Biển Đông, cản trở, thậm chí tấn công ngư dân ta, cử tri Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng rất bức xúc.

ĐB Nguyễn Tấn Tuân

"Quân dân các huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa mong được nhà nước đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, hình thành các trung tâm nghiên cứu, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu ngay tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, tiếp tục có chính sách đưa dân ra đảo lập nghiệp, hình thành các mô hình làng thanh niên lập nghiệp, đánh bắt tàu mẹ con, hoàn chỉnh các cơ sở trường lớp, bệnh viện, đảm bảo xây dựng các đảo của chúng ta có cuộc sống ổn định và phát triển", ông Tuân nói.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) thì chỉ ra khó khăn của ngư dân hiện nay là tàu bè, phương tiện nhỏ bé, cách thức khai thác lạc hậu.

Ông kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách, giải pháp thiết thực, có thêm nhiều hình thức tháo gỡ khó khăn, trợ giúp vốn liếng, kỹ thuật để đảm bảo hoạt động đánh bắt hải sản bình thường của hơn 4 triệu ngư dân trên các vùng biển.

"Đây là chủ trương cần được ưu tiên và có những giải pháp quyết sách đồng bộ, cùng với việc tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế biển, nhất là thăm dò, khai thác dầu khí", ông Nam nói.

ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) thì tập trung vào ngư dân đồng bằng sông Cửu Long. Ông chỉ ra khó khăn lớn của họ hiện nay là thiếu các phương tiện bảo quản sau thu hoạch, giá xăng tăng trong khi giá hải sản đứng yên hoặc tăng không đáng kể...

"Theo nhiều ngư dân và cán bộ ngành thủy sản, việc tiếp cận vốn vay của ngân hàng là rất khó, là lực cản lớn nhất của ngư dân trong quá trình hiện đại hóa các phương tiện đánh bắt xa bờ", ông Tâm phản ánh.

"Mong muốn của ngư dân là ngân hàng có cách tiếp cận linh hoạt hơn, xem ngư dân là đối tác chiến lược và cần ưu tiên đầu tư chứ không thể xem ngư dân là đối tác bình thường gắn với các thủ tục nhiêu khê", ĐB Sóc Trăng nói.

"Đầu tư đúng mức cho ngư dân không chỉ cải thiện đời sống cho họ mà chúng ta còn tạo ra một lực lượng vệ tinh đáng tin cậy, khẳng định chủ quyền, góp phần bảo vệ lãnh hải của Việt Nam", ĐB Trần Khắc Tâm khẳng định.

Giải đáp một phần vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề cập đến chương trình thí điểm của Chính phủ giúp ngư dân thay mới tàu công suất lớn (400 - trên 1000 mã lực) với mức cho vay 70-80% chi phí đòng tàu, lãi suất cố định 3%/năm trong 10 năm.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

"Tới đây Chính phủ sẽ tổng kết chương trình này để nhân rộng trong cả nước, với các loại tàu gỗ và sắt từ 90 - 1000 mã lực. Chính phủ cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu tổ chức lại hoạt động nghề cá sao cho hiệu quả", ông Vũ Văn Ninh cho biết.

Phó Thủ tướng cũng thông tin Chính phủ đã cho đóng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, vừa giúp bà con ngư dân bám biển, vừa giữ chủ quyền biển đảo.

Đồng tình tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc phòng và khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, "dứt khoát không để bị động, bất ngờ", ĐB Lê Nam còn kiến nghị Chính phủ thông tin kịp thời, đầy đủ hơn các diễn biến về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên Biển Đông cho các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần yêu nước, củng cố lòng tin của nhân dân vào đường lối, chính sách, những chủ trương, giải pháp mà Đảng và Nhà nước đang tổ chức triển khai.

 

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng

Theo VietNamNet

liên kết website

đối tác

GIA PHUC SS Sunny mountain TC Kinh tế Châu Á - TBD