Thông tin gian dối, quyết sách sẽ bại [20/06/2013]
Trong một thế giới hội nhập như hiện nay, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng.
"Nói có sách, mách có chứng"
Nói quyền lực cũng chỉ để nhấn mạnh đến vai trò của báo chí, trách nhiệm xã hội của những người làm báo.
Báo chí cách mạng Việt Nam có gần một thế kỷ tồn tại và phát triển. Quãng đường ấy, với đội ngũ "mắt sáng, lòng trong, bút sắc" báo đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp cách mạng.
Có thể nói đội quân báo chí đã phát triển nhanh về số lượng, tăng cường về chất lượng. Tính đến năm 2012, cả nước có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề (tăng gấp 3 lần so với năm 1986) và hàng nghìn phóng viên đang hoạt động báo chí, có 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm, 67 đài phát thanh-truyền hình Trung ương và cấp tỉnh.
Ngoài ra những trang mạng, trang blog cũng đã đóng góp trong việc chuyển tải thông tin, đưa thông tin nhanh kịp thời đến với bạn đọc về những sự kiện trọng đại của đất nước, những tin tức nóng hổi về kinh tế xã hội...
Sức mạnh của báo chí chính là phản ảnh sự thật. Khi sự thật được công khai thì không còn đất cho thói làm ăn gian dối, lối bao biện lợi dụng. Chỉ có những cá nhân có hành vi đen tối mưu cầu lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mới không dám công khai minh bạch. Bác Hồ cho rằng sức mạnh của báo chí là chân thực khách quan. Người nói báo chí muốn thuyết phục được công chúng thì bản thân phải mang tính chân thực cao "viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng".
Nhà báo tác nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, nhiều khi nguy hiểm. Ảnh: Kim Oanh
Với trọng trách là cung cấp thông tin sự kiện, phát hiện vấn đề, phản biện xã hội, tạo dư luận xã hội, báo chí luôn có có tác động mạnh mẽ tới đời sống. Những thông tin nhanh, kịp thời của báo chí, những bài phản biện sắc sảo đóng góp rất lớn cho việc định hình các chính sách. Phản ảnh mặt tích cực của xã hội để nêu gương, tạo thành phong trào sâu rộng, phê phán cái xấu, mặt trái, để giúp xã hội hướng thiện, góp phần làm xã hội biến chuyển theo chiều hướng tích cực hơn.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng và đấu tranh đẩy lùi tiêu cực, báo chí đã làm tốt trách nhiệm của mình. Những vụ tiêu cực lớn vừa qua, báo chí đã vào cuộc một cách quyết liệt. Nhiều thông tin điều tra đã làm phong phú thêm nguồn tư liệu cung cấp cho cơ quan chức năng tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ khiến cho vụ việc được giải quyết nhanh chóng.
Thông tin chính là sức mạnh vật chất tạo nên sức mạnh của quần chúng. Không thể đưa ra quyết sách khi không đầy đủ thông tin. Chỉ dựa vào thông tin gian dối thì mọi quyết sách đều thất bại.
Trong cuộc họp Quốc hội, các đại biểu yêu cầu được cung cấp thông tin đầy đủ khách quan trung thực cũng chính vì lẽ đó. Có thể thấy những phản biện của đại biểu QH thời gian vừa qua đã dựa nhiều vào thông tin từ các phương tiện truyền thông. Một loạt các dự án như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, những dự án sân golf đến những tập đoàn làm ăn thua lỗ, những cánh rừng cho nước ngoài thuê trái phép, những con số "ma" trong các báo cáo... đều được phản ảnh và các đại biểu có cơ sở để chất vấn các cơ quan chức năng
Khi nói báo chí thông tin trung thực khách quan phải thấy mặt thứ hai của vấn đề, không phải mọi thông tin trung thực khách quan đều được phơi bày lên mặt báo. Câu hỏi viết cho ai, viết cái gì, lợi hay hại luôn là câu hỏi thường trực trong mỗi nhà báo.
Nhà báo có bản lĩnh chính trị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành động của mình. Phải nhận rõ lợi ích những thông tin mình đưa ra từ đó kiên quyết bảo vệ không thỏa hiệp, không bị cám dỗ trước tiền bạc hoặc bán rẻ nhân cách.
Lạm dụng để... tránh báo chí
Có một thực tế cùng một sự việc nhưng ở góc độ khác nhau lại nhìn nhận một cách khác nhau. Lợi hay hại phải đặt nó trong bối cảnh rộng lớn hơn, và dĩ nhiên phải lấy lợi ích của người dân làm tối thượng.
Khi đưa tin về những hành vi tiêu cực, nhà báo vấp phải sự phản kháng quyết liệt, cho là bôi đen, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với ngành của họ. Bằng nhiều cách họ cố tình ngụy biện, nhờ che chắn hoặc lợi dụng cả cơ quan chức năng để phản công lại. Họ không thấy chính những tiêu cực đó nếu không được phanh phui thì còn nguy hiểm hơn, có tác động xấu và sâu rộng hơn nhiều.
Một xã hội dân chủ phải đặt lên hàng đầu thuộc tính công khai minh bạch. Mục tiêu của chúng ta là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nhưng để thực hiện "sự biết" đó cũng không hề đơn giản. Thời gian vừa qua hiện tượng lạm dụng công văn giấy tờ đóng dấu mật để tránh sự vào cuộc của báo chí đã làm mất đi tính khách quan trung thực, sự nhanh nhạy và kịp thời của báo chí. Tuy Chính phủ có những qui định rõ nhưng hiện tượng lạm dụng để tránh báo chí vẫn còn.
Sự dấn thân của những nhà báo là nét đẹp truyền thống của nền báo chí cách mạng. Các nhà báo tác nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, nhiều khi nguy hiểm cả đến tính mạng. Sự dũng cảm, dấn thân đấu tranh trước thói hư tật xấu, với tệ tham nhũng, tha hóa quyền lực đòi hỏi người làm báo không chỉ giỏi về năng lực nghiệp vụ mà còn là sự dũng cảm hy sinh và bản lĩnh nghề nghiệp.
Trước đồng tiền, trước quyền lực phải "lòng trong, bút sắc", nhà báo phải lấy sự thật làm định hướng thì sẽ giữ được lòng tin của quần chúng nhân dân.
Phản ảnh trung thực khách quan hay nói sự thật đó cũng chính là mục tiêu và sứ mệnh vẻ vang của những người làm báo.
Nguyễn Đăng Tấn