Siêu tàu lặn TQ hút trầm tích khoáng ở Biển Đông [05/07/2013]
Đường Gia Lăng, một thành viên trên tàu lặn cho hay, mặc dù mức độ chính xác của các trầm tích vẫn chưa thể xác định rõ nhưng ông chắc rằng nó khá lớn. Còn theo GS Chu Hoài Dương thuộc Đại học Đồng Tế, Trung Quốc người có mặt trên con tàu hỗ trợ của Giao Long hôm thứ tư, các nhà khoa học sẽ tiến hành kiểm tra để xác định độ tuổi của trầm tích.
"Do cánh tay robot làm vỡ một mẫu vật, một lõi vòng bên trong đã lộ ra và được xác định có thể là dung nham núi lửa. Các vật chất bao phủ quanh lõi là sắt và oxit mangan, cần hàng chục nghìn năm để hình thành”, ông Chu nói.
Lý Tân Trịnh, một nhà sinh vật học có mặt trên tàu Giao Long nói, các trầm tích quy mô lớn được phát hiện ở độ sâu đáng kinh ngạc mà ông chưa từng thấy trước đây.
Giao Long sẽ thực hiện vài lần lặn sâu nữa ở khu vực này để tiếp tục nghiên cứu và thăm dò đáy biển. Với siêu tàu lặn này, Trung Quốc đã đạt một mục tiêu cơ bản trong sứ mệnh thám sát Biển Đông kéo dài 113 ngày lần này là khám phá các trữ lượng kim loại và tài nguyên thiên nhiên khác vốn có trữ lượng lớn dưới đáy biển mà Bắc Kinh rất thèm khát để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của mình.
Theo Tô Tế Nam, thiết kế trưởng con tàu, Giao Long là tàu có người lái đầu tiên của thế giới được thiết kế lặn ở độ sâu 7.000m dưới mực nước biển và có thể được sử dụng ở 99,8% các đại dương của thế giới. Giới chức Trung Quốc cho hay, tàu lặn Giao Long, dài 8,2m, nặng gần 22 tấn. được xem là tàu lặn biển duy nhất trên thế giới, xét về mặt lý thuyết, có thể đạt được đến độ sâu 7.000m. Tàu Shinkai 6500 của Nhật Bản có khả năng đạt được độ sâu 6.500m.
Trung Quốc bắt đầu phát triển tàu lặn Giao Long từ năm 2002. Tàu lặn sâu và tàu mẹ của nó đã được hoàn thành 6 năm sau đó. Với Giao Long, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ năm, sau Mỹ, Pháp, Nga và Nhật sở hữu công nghệ siêu tàu lặn có người lái ở độ sâu hơn 3.500m dưới mực nước biển.
Thái An(theo China Daily)
Theo VietNamNet