Người đi tìm kiếm chữ Việt cổ [22/04/2013]

Nhà nghiên cứu chữ cổ Đỗ Văn Xuyền.

NƯỚC MẮT NHÀ SỬ HỌC VÀ TÂM NGUYỆN GỬI LẠI

Với một niềm tin chắc rằng, một dân tộc có nền văn hóa Hòa Bình, Đông Sơn rực rỡ lại không thể không có chữ viết, nhiều thế hệ học giả, nhà nghiên cứu xưa nay đã đi tìm chữ viết của dân tộc, nhưng rồi giữa đường đứt đoạn. Còn khó khăn hơn khi thứ chữ ấy đã bị quân xâm lăng tìm mọi cách triệt phá trong thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, rồi những dấu tích còn lại của nó cũng nhạt nhòa theo thời gian. Có thể kể tên những người đó như: Vương Duy Trinh, Lê Huy Nghiệm..., và gần đây là Bùi Văn Nguyên, Lê Trọng Khánh, Hà Văn Tấn, Trần Ngọc Thêm...

Thầy giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu chữ Việt cổ Đỗ Văn Xuyền đã tiếp nối mạch nguồn ấy để tiếp tục tìm kiếm và đưa ra những sở cứ để chứng minh rằng, thời Vua Hùng từng có chữ viết. Và ông đã chọn ra trong hàng nghìn bộ chữ cổ để chứng minh một bộ chữ trong đó là chữ viết của Vua Hùng.

Ông Xuyền kể lại rằng, ông đã từng mang công trình ghi chép hành trình đi tìm các lớp học thời Hùng Vương gặp GS Hà Văn Tấn để trình bày khát vọng muốn đi tìm chữ Việt cổ. Lúc đó, GS Tấn đã không cử động được nữa, chỉ biết nắm tay ông Xuyền khóc không ngừng. Cũng như nhiều cổ nhân, GS Tấn đã dành cả đời để nghiên cứu chữ Việt cổ, song công trình nghiên cứu còn dang dở thì ông đã nằm liệt giường.

Rồi sau này, ông Xuyền tiếp tục gặp GS Lê Trọng Khánh, người cũng dành gần như cả cuộc đời để nghiên cứu chữ Việt cổ, khi vị giáo sư đáng kính này đã 86 tuổi. Khi đó, ông Khánh cũng chỉ biết khóc rồi nắm tay ông Xuyền dặn dò, động viên tiếp tục công việc nghiên cứu còn dang dở của ông...

Cũng như những học giả trước mình, bằng những tư liệu ghi chép của quốc tế, ông Xuyền khẳng định tổ tiên ta từng có chữ viết.

Trong cuốn Lịch sử chữ viết thế giới xuất bản trước năm 1945, nhà khoa học Tiệp Khắc Cesmir Loukotca viết: “Phía nam đế quốc Trung Hoa có nhà nước An Nam, ngay từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên (CN) đã bị người Hán thống trị. Viên thái thú Sĩ Nhiếp đã du nhập chữ Hán vào. Trước đó người An Nam đã đọc bằng thứ chữ ghi âm riêng. Chữ đó không còn lại đến ngày nay”.

Chữ Khoa Đẩu - loại chữ Việt cổ có hình dáng phảng phất như những con nòng nọc - đã xuất hiện trong cổ sử Trung Hoa từ 2.345 năm trước CN, cách nay đúng 4.358 năm. Trong thời gian đó, tại vùng cư trú của người Bách Việt xưa, chữ Khoa Đẩu vẫn thường xuyên xuất hiện trong sử sách và trong các cuộc khai quật. Nhưng từ năm 111 trước CN, đất nước ta rơi vào ách thống trị của phương Bắc. Bên cạnh chính sách thống trị và đồng hóa, vơ vét tài sản, chúng còn tìm cách xóa bỏ nền văn minh kỳ vĩ mà tổ tiên ta đã dày công xây dựng nên, trong đó có chữ viết.

Từ những dẫn chứng đó, ông Xuyền suy luận: Chữ viết của người Việt có ngay từ khi lập quốc, ban đầu là những hình vẽ đơn sơ cho đến loại chữ Khoa Đẩu và tới khi bị kẻ thù triệt hạ thì loại chữ ấy đã đạt đến mức độ cao về mặt khoa học, có thể đứng ngang hàng với những loại chữ tiến bộ nhất của nhân loại. Rồi ông đặt ra câu hỏi: “Thứ chữ ấy liệu có còn không? Và nếu còn thì đang được cất giấu ở đâu?”.

Giữa lúc tuyệt vọng đến cùng cực, trong ông chợt lóe lên ý nghĩ: “Mọi thành bại của đất nước đều xuất phát từ nhân dân. Thế thì tại sao ta không tìm về với nhân dân, mà chỉ quanh quẩn dựa vào ý kiến của những người xứ khác?”.

Hàng chục năm sau đó, ông Xuyền đã thay đổi hướng đi: đến với các nơi hang cùng ngõ hẻm, rừng sâu núi thẳm. Và đúng như ông dự đoán: Điều tổ tiên ta đã có chữ viết ngay từ thuở bình minh của nhân loại, không cần tìm đến sự ghi chép của cổ sử Trung Hoa, mà ngọc phả của bốn ngôi miếu ở xóm núi Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc đã ghi đầy đủ. Ngôi đền thờ ở La Nội, Hà Tây còn chép lại cả bài văn mà Hùng Vương khắc tặng Vua Nghiêu ngày ấy.

Và một dẫn chứng khác về người Việt cổ có chữ viết được ông Xuyền đưa ra là hàng chục đền thờ các thầy cô giáo từ thời Hùng Vương vẫn nằm rải rác khắp các tỉnh phía bắc. Biết ơn những người từng dạy dỗ cha ông họ thành tài, người dân đã lập đền thờ thầy cô và sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh để bảo vệ.

GIẢI MÃ VỀ BỘ CHỮ KHOA ĐẨU KHÔNG THANH SẮC

Trong nhiều bộ chữ được nhân dân Tây Bắc bảo vệ hàng nghìn năm qua, nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền cho rằng ông đã tìm được một bộ chữ gốc Khoa Đẩu. Đó là bộ tài liệu Chữ Thái tổ tự được Tri châu Điện Biên Phạm Thận Duật phát hiện ra từ năm 1855-1856 (được NXB Văn hóa biên tập phiên dịch và in vào năm 2000), hiện còn lưu giữ ở nhiều thư viện. 15 năm qua, ông đã tìm mọi cách để giải mã và chứng minh đó chính là chữ Khoa Đẩu.

Theo ông Xuyền, sự truy quét và triệt tiêu đến cùng những tinh hoa người Việt của quân xâm lăng đã khiến cho bộ chữ Khoa Đẩu chỉ còn tồn tại được ở miền biên viễn. Và cũng giống như quan điểm của GS Lê Trọng Khánh, ông Xuyền cho rằng có sự giao thoa chữ viết giữa các dân tộc trong Bách Việt, và chữ Khoa Đẩu là thứ chữ gốc được nhiều dân tộc sử dụng, có cải tiến cho phù hợp với ngôn ngữ của dân tộc mình. Bộ chữ ban đầu cũng đã được ngụy trang để tránh sự nhòm ngó của kẻ thù.

Sau khi gỡ bỏ lớp vỏ ngụy trang đó, nhà cổ tự học đã công bố bộ ký tự theo ông là chữ Khoa Đẩu, gồm 16 nguyên âm và 18 phụ âm, đầy đủ như chữ quốc ngữ. Và hình những con nòng nọc trong bộ ký tự này dễ dàng được tìm thấy khắp nơi ở vùng Thập Châu (Tây Bắc ngày nay), cũng như trên rìu đá, rìu đồng, trống đồng của nền văn minh Đông Sơn, Hòa Bình. Theo ông, đặc điểm của bộ ký tự này là không có dấu và điều đó phù hợp với ngôn ngữ của người Việt cổ trước CN.

Để chứng minh được điều này, ông Xuyền đã đi khắp nơi để tìm dấu tích còn sót lại của người Việt cổ. Nghe tin trong Tây Ninh có tộc người Tà Mun tự nhận là dân tộc Việt, ông đã vào tìm hiểu và tin rằng, tộc người này đúng là người Việt cổ, vì họ nói bằng thứ tiếng Việt cổ hoàn toàn không có dấu. Tương tự, ông đã tìm hiểu dân tộc Chứt ở Quảng Bình tự xưng là người Alak (người Lạc) và tiếng của họ hoàn toàn không có dấu. Ông Xuyền sử dụng các ký tự Việt cổ có thể ghi lại được toàn bộ ngôn ngữ của dân tộc này.

Gần hơn, dấu tích ngôn ngữ người Việt cổ còn giữ được ngay vùng Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất của Hà Nội, nơi người dân vẫn nói không có dấu. Và nhiều ngôi làng cổ ở Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình... ít giao lưu với bên ngoài, người dân vẫn nói bằng thứ ngôn ngữ rất nhẹ, không có thanh.

Không chỉ dừng lại ở đó, trên cơ sở những tư liệu còn lại của những nhà truyền giáo Tây Phương rải rác trong tu viện, thư viện của các nước, ông chứng minh rằng: Chính hệ thống ký tự của chữ Việt cổ là điều kiện thuận lợi để các nhà truyền giáo La-tinh hóa ngôn ngữ Việt và là dân tộc duy nhất vùng Đông- Nam Á La-tinh hóa chữ viết vì sự tương đồng của những ký tự miêu tả ngôn ngữ. Ông Xuyền còn lục tìm những tài liệu bằng chữ Quốc ngữ được các nhà truyền giáo viết từ thế kỷ 17-18 và nhận thấy, nhiều ký tự được sử dụng trong những buổi đầu tương đối giống với chữ Việt cổ. Về sau, chữ quốc ngữ được cải tiến dần mà mất hẳn bóng dáng của chữ Khoa Đẩu trong các văn bản ngày nay.

HỐI HẢ TÌM SỰ ĐỒNG VỌNG

Sau nửa thế kỷ mò mẫm đi như bị “giời hành”, ngấm sương sa và gió lạnh của chốn rừng thiêng nước độc, ông bị rất nhiều bệnh khi ở tuổi 76. Những người bạn đồng hành như Nguyễn Mạnh Can - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam, GS Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt... đã chung tay xuất bản cho ông cuốn sách Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ vào tháng một vừa qua.

Họ chỉ mong những người trẻ hơn sẽ theo chân họ tiếp tục cuộc tìm kiếm.

Những nỗ lực của ông Xuyền và những người bạn đã không hề uổng phí. Đến nay, hơn 1.000 sinh viên đã tham gia Câu lạc bộ Chữ Việt cổ. Khoảng 100 người khắp dọc đất nước đã đọc thông viết thạo bộ chữ cổ.

Ông Xuyến kể, tháng ba này, ông sẽ từ Phú Thọ xuống Hà Nội mở lớp dạy chữ cổ cho sinh viên. Ông mong bộ chữ ấy sẽ như chiếc chìa khóa để họ tiếp tục lên Tây Bắc mở mật mã của hàng nghìn pho sách cổ tổ tiên để lại.

 

HỒNG MINH


liên kết website

đối tác

GIA PHUC SS Sunny mountain TC Kinh tế Châu Á - TBD