Năng lượng và tham vọng hải quân TQ [09/05/2013]
Được chính thức chuyển giao cho lực lượng hải quân tháng 9 năm ngoái, tàu Liêu Ninh tới nay đã thực hiện ít nhất 10 cuộc thử nghiệm trên vùng biển gần bờ, chủ yếu là đào tạo nhân sự và kiểm tra các khả năng của tàu.
Tàu sân bay Trung Quốc.Ảnh: wordpress
Có lẽ phải mất một thập niên nữa để Liêu Ninh hoàn tất mọi khả năng và thực thi các sứ mệnh trên biển. Để bắt đầu hoạt động thực sự ở vùng biển xa, tàu sân bay Trung Quốc cần phải có đầy đủ máy bay hoạt động thích hợp đi kèm. Hơn thế nữa, Liêu Ninh cũng cần một đội tàu chiến gồm tàu khu trục, tàu ngầm hộ tống để đảm bảo an ninh và cho phép nó hoạt động trong môi trường thù địch.
Sau cuộc thử nghiệm máy bay cất/hạ cánh trên tàu sân bay hồi tháng 11, việc đưa tàu Liêu Ninh ra vùng biển xa sẽ là một cột mốc quan trọng với hải quân Trung Quốc. Về mặt biểu tượng, nó thể hiện khả năng khuếch trương sức mạnh của Trung Quốc.
Những yêu cầu hiện tại đặt ra với hải quân Trung Quốc là xây dựng và phát triển các tài sản quân sự cùng với đội ngũ được đào tạo bài bản, trình độ cao, có thể thực hiện các sứ mệnh tấn công và phòng thủ ở xa căn cứ, bao gồm cả việc đảm bảo các tuyến vận chuyển đường biển cho các tàu hàng và tàu chở dầu Trung Quốc. Đảm bảo vận chuyển trên biển là điều sống còn khi giao dịch quốc tế của Trung Quốc tăng lên không ngừng, cùng với cơn khát năng lượng kéo theo nhu cầu nhập khẩu dầu và khí khổng lồ qua đường biển.
Trong bối cảnh này, các tàu sân bay và đội tàu chiến đấu đi kèm trở nên rất cần thiết với hải quân Trung Quốc - lực lượng mà tới nay tập trung vào việc bảo vệ lãnh hải và vùng nước lân cận mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc không nói có bao nhiêu tàu sân bay dự kiến mua hoặc xây dựng mà chỉ đề cập sẽ "có hơn một chiếc". Phó Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc, chuẩn Đô đốc Song Xue gần đây cho biết, Trung Quốc dự kiến có tàu sân bay thứ hai lớn hơn, có khả năng mang nhiều máy bay hơn so với tàu Liêu Ninh.
Tuy nhiên, nhiều thông tin từ bên ngoài Trung Quốc đề cập tới việc nước này đang tiến tới việc sở hữu thêm hai tàu sân bay khác, chỉ là chưa rõ đang lên kế hoạch hay trong giai đoạn chế tạo tàu. Cũng có thông tin về kế hoạch tương lai của Trung Quốc về tàu sân bay thứ tư.
Hải quân Trung Quốc vẫn còn tụt hậu so với hải quân Mỹ vài thập niên. Tuy nhiên, các nỗ lực chế tạo một nhóm tàu sân bay ngoài Liêu Ninh cho thấy, Bắc Kinh rất tập trung vào việc giải quyết một trong những điểm yếu của mình: đó là khả năng hoạt động toàn diện ở vùng xa bờ để phô diễn sức mạnh vượt ra ngoài bờ biển. Điểm yếu này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ phải gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu khí trên đất liền.
Thái An (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)