Một loạt cường quốc đau đầu vì bê bối gián điệp Mỹ [11/06/2013]
Các quan chức Mỹ đã xác nhận rằng chương trình này có tồn tại, với mật danh là PRISM. Theo báo Mỹ và Anh, chương trình này cho phép Washington thâm nhập vào email, các đoạn trao đổi trên web và các loại hình giao tiếp khác từ các công ty như Goolge, Facebook. Twitter và Skype.
Luật pháp của Mỹ đặt ra các giới hạn đối với việc chính quyền do thám người dân trong nước, nhưng lại không có giới hạn nào đối với việc nghe lén các cuộc đối thoại của người nước ngoài, bao gồm cả với các quốc gia đồng minh mà Mỹ chia sẻ thông tin tình báo.
Điều này cũng có nghĩa là Washington có thể cung cấp cho các chính phủ thân thiết thông tin không hạn chế về các cuộc đối thoại của công dân nước họ trên internet.
Ngoại trưởng Anh đã lên truyền hình để trấn an người dân rằng các cơ quan tình báo của Anh không hề vi phạm các luật hạn chế hoạt động của họ, trong đó có việc nhận các thông tin do Washington thu thập.
Tại Anh, các chính trị gia đặt câu hỏi liệu việc tiếp cận dữ liệu mà Washington thu thập có cho phép đơn vị nghe lén của London là GCHQ vượt qua các giới hạn về quyền lực trong việc do thám hay không. Anh là đồng minh chính của Mỹ trên chiến trường Iraq và Afghanistan nên các cơ quan tình báo hai bên đã có mối quan hệ rất bền chặt.
Ngoại trưởng Anh William Hague không nói về những thông tin mà Anh nhận được từ Mỹ về công dân của mình, nhưng lại nói rằng việc GCHQ sử dụng quan hệ với Washington để 'né' luật của Anh là việc làm 'vô nghĩa'.
"Tất nhiên là chúng tôi chia sẻ rất nhiều thông tin với Mỹ. Nhưng nếu thông tin mà Anh nhận được từ phía Mỹ thì nó vẫn nằm trong luật định"- ông Hague nói.
Tuy nhiên, người phát ngôn phe đối lập Công Đảng là Douglas Alexander nói rằng ông Hague cần cởi mở hơn. "Điều sống còn là chính phủ giờ phải trấn an những người dân đang lo ngại về các báo cáo này" - ông Alexander nói.
Tại Đức, phe đối lập nói rằng Thủ tướng Angela Merkel cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ người dân Đức khỏi bị Mỹ do thám và yêu cầu câu trả lời về vấn đề này khi Tổng thống Barack Obama có chuyến công du tới Đức vào tháng này.
Đức là quốc gia có các luật rất mạnh về vấn đề bảo mật. Phe đối lập nói rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm cho việc Mỹ do thám công dân Đức.
"Không ai cảm thấy có vấn đề gì với việc Mỹ do thám các tên khủng bố - điều đó cũng ngăn những tên khủng bố này tấn công Đức" - phát biểu của Thomas Oppermann, một nhà lập pháp cấp cao thuộc đảng đối lập Dân chủ Xã hội.
"Nhưng việc Mỹ do thám toàn bộ các công dân lại hoàn toàn không thích đáng. Chính phủ Đức cũng phải bảo vệ quyền bảo mật của người dân Đức trước Mỹ" - Oppermann nói thêm.
Nhà lập pháp Renate Kuenast của đảng Xanh nói rằng vụ việc 'có vẻ như sẽ là một trong những bê bối lớn nhất trong việc chia sẻ dữ liệu' (giữa tình báo các nước).
Tại Australia, một nguồn tin chính phủ nói rằng các tiết lộ về chương trình do thám của Mỹ có thể gây khó khăn thêm cho việc thông qua luật cho phép chính phủ thâm nhập vào dữ liệu internet trong nước.
Phe đối lập bảo thủ đang có nhiều cơ hội thắng cử trong tháng Chín này nói rằng chương trình PRISM gây 'phiền phức' cho họ, và lo ngại là dữ liệu của công dân Australia cũng bị thâm nhập. Đảng Xanh của Australia cũng kêu gọi chính phủ trả lời rõ liệu các cơ quan tình báo của Australia có thâm nhập vào dữ liệu của Mỹ hay không.
"Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ lưỡng bất kỳ dấu hiệu nào nổi lên đối với an ninh và bảo mật của người dân Australia" - Ngoại trưởng Bob Carr của Australia nói.
Còn tại New Zealand, vụ bê bối của CIA có thể gây thêm nhiều rắc rối cho một chính phủ từng bị buộc thừa nhận rằng họ đã do thám bất hợp pháp một ông trùm của hãng chia sẻ dữ liệu internet Kim Dotcom, bản thân người này đang đấu tranh với việc dẫn độ sang Mỹ vì sao chụp, phát tán dữ liệu máy tính.
Lê Thu (theo Reuters/CNA/AP)