Hà Nội đón bằng xếp hạng 5 di tích quốc gia đặc biệt [23/02/2014]
Các di tích này bao gồm Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm); di tích lịch sử đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh); di tích lịch sử đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ); di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm); di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tây Đằng (huyện Ba Vì).
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội và Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã tới dự.
Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức dâng hương Vua Lý Thái Tổ của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội.
Khẳng định về giá trị của các di tích, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, cho rằng các truyền thuyết về đức Thánh Tản, Thánh Gióng, về Hai Bà Trưng, về các vị thành hoàng đã có công khai phá bờ cõi và các làng nghề truyền thống…hầu như có mặt khắp nơi trên đất Thăng Long-Hà Nội.
Chính kho tàng di sản văn hóa đó đã tạo thành động lực quan trọng, thành sức sống mãnh liệt để Thăng Long-Hà Nội vượt qua mọi thách thức của lịch sử, trở thành chỗ dựa vững chắc về trí tuệ, ý chí, nghị lực và niềm tự hào của Hà Nội cũng như cả nước.
Đón nhận vinh dự hôm nay, thành phố Hà Nội cam kết tiếp tục chỉ đạo và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích, di sản của thành phố; trong đó có 5 di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận.
Đồng thời, để di tích, di sản của Hà Nội trường tồn với thời gian, thành phố Hà Nội rất mong nhận được sự cộng tác, giúp đỡ tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, của đồng bào Thủ đô và kiều bào quan tâm gìn giữ và ủng hộ.
Sau nghi thức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao bằng cho đại diện các đơn vị có di tích được xếp hạng đặc biệt.
Lễ đón bằng xếp hạng 5 di tích Quốc gia đặc biệt được tiếp tục bằng chương trình nghệ thuật “Thăng Long ngàn năm văn hiến” do Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn; tôn vinh các giá trị của 5 di tích Quốc gia đặc biệt được công nhận xếp hạng.
Đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm là cái nôi của một huyền thoại gắn liền với chiến công oanh liệt chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Nơi đây gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho rùa thần, đã di vào tiềm thức của lớp lớp người Việt. Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, tháp Rùa là những kiến trúc độc đáo, những giá trị lịch sử đặc sắc.
Là ngôi đình lớn của xứ Đoài, thờ Tam vị đức thánh Tản thời Hùng Vương làm thành Hoàng, đình Tây Đằng được ví như “Bảo tàng mỹ thuật” đã hội tụ những giá trị tiêu biểu lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật, văn hóa, đưa ngôi đình vượt ra khỏi không gian làng xã để hòa vào kho tàng giá trị văn hóa của Hà Nội và cả nước.
Di tích lịch sử đền Hát Môn và đền Hai Bà Trưng là hai di tích phụng thờ, tưởng niệm Hai Bà Trưng và những sự kiện lịch sử gắn liền với chiến công oanh liệt chống giặc Đông Hán xâm lược đất nước những năm 40 sau Công Nguyên. Biểu tượng người Việt nữ anh hùng đấu tranh và hy sinh anh dũng vì nước mở màn cho cuộc đấu tranh anh dũng chống Bắc thuộc kéo dài hơn ngàn năm với quyết tâm giải phóng đất nước, giành lại độc lập của nhân dân.
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng là một trong những nơi tưởng niệm người anh hùng Thánh Gióng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi từ buổi bình minh của lịch sử. Với những giá trị lịch sử văn hóa, lễ hội, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật, khu di tích lịch sử Phù Đổng là nơi quần tụ những công trình nghiên cứu của nhiều học giả trong nước và quốc tế, điểm đến của du khách.
Thêm 5 di tích được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận di tích Quốc gia đặc biệt đã nâng tổng số di tích Quốc gia đặc biệt của Hà Nội lên 9 di tích.
Hiện Hà Nội có 2.311 di tích được xếp hạng trên địa bàn thành phố.
Theo TTXVN