Chữ "Tín" và lòng dân? [11/06/2013]
Trong lúc kỳ họp Quốc hội đang diễn ra và vấn đề lấy phiếu tín nhiệm với nhân sự cấp cao đang trở thành chủ đề "nóng", thiết nghĩ câu chuyện xoay quanh chữ Tín của chính quyền rất đáng suy ngẫm để có cái nhìn thấu đáo hơn.
"Dân mất niềm tin, nước không giữ được"
Trước hết, cần nhắc lại rằng trong tư tưởng Nho giáo, Tín là một trong "ngũ thường", cùng với Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí cấu thành nên năm yếu tố nền tảng của nhân cách người quân tử. Tín nghĩa là niềm tin, là giữ điều hẹn ước. Chữ Tín được kết hợp bởi bộ "Nhân" và chữ "Ngôn", hàm ý rằng lời nói của người có đức tín phải phù hợp với hành vi, nói sao phải làm vậy để tạo lòng tin nơi người khác.
Không chỉ dừng lại ở mức độ là chuẩn mực đạo đức, chữ "Tín" còn trở thành yếu tố then chốt trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, từ khoa học cho tới kinh doanh. Riêng đối với chính trị, chữ Tín có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi nó ảnh hưởng tới việc xây dựng và gìn giữ lòng tin của người dân vào chính quyền.
"Cần một cái nhìn về thực trạng lòng tin trong dân". Ảnh: Hùng Anh
Sách Luận ngữ chép chuyện Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử về những yếu tố làm nên thành công trong việc trị nước. Đức Khổng Tử đã kể ra ba điểm quan trọng:"Đủlương thực, đủ binh lính, được dân tin." Tử Cống nói: "Nếu bất đắc dĩ phải bỏ, trong ba thứ đó, bỏ thứ nào trước?". Khổng Tử đáp: "Bỏ binh lính". Tử Cống lại hỏi: "Nếu bất đắc dĩ phải bỏ, trong hai thứ còn lại, bỏ thứ nào trước?" Khổng tử trả lời: "Bỏ lương thực. Từ xưa ai cũng phải chết; nhưng dân mà mất niềm tin thì nước không đứng vững được"
Ý nghĩa sống còn của chữ "Tín" nằm ở chỗ, nếu có được lòng tin của nhân dân sẽ có tất cả và không có được lòng tin của nhân dân sẽ mất tất cả. Về vấn đề này, Nguyễn Trãi từng nói: "Đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân". Bởi lẽ sức mạnh của nhân dân là vô bờ bến nhưng khiến dân đẩy thuyền, hay ngược lại, đều tùy thuộc vào xem có thu phục được lòng dân hay không.
Chữ "Tín" trong pháp luật...
Xung quanh chuyện chữ "Tín", hãy thử đặt câu hỏi xem các cơ quan công quyền nhận thức về tầm quan trọng của chữ "Tín" tới đâu. Nguồn cội của việc xây dựng niềm tin phải xuất phát từ đạo đức, năng lực, trách nhiệm và sự trung thực. Cho nên khi chính quyền nhấn mạnh vào những điều đó, chính là gián tiếp đề cập tới việc xây dựng và giữ gìn chữ "Tín" với dân.
Nếu hiểu như vậy thì điểm qua hệ thống pháp luật của nước ta, nhiều người sẽ thấy hình như tầm quan trọng của chữ "Tín" đã và đang được được đặt lên hàng đầu. Có lẽ không có luật pháp nước nào đề cập nhiều tới những yếu tố để xây dựng niềm tin như ở Việt Nam.
Chẳng hạn, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 yêu cầu xây dựng các lực lượng vũ trang "tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu". Điều đó cho thấy, việc giành được lòng tin của nhân dân không chỉ được xem như một nhiệm vụ chính trị mà còn được luật hóa ở tầm cao nhất.
Có lẽ vì coi trọng chữ "Tín", coi trọng sự "tin yêu" của người dân nên Luật Cán bộ, công chức (2008) nhắc tới từ "đạo đức" tổng cộng 12 lần. Luật Giáo dục (2005) đề cập tới từ "năng lực" 20 lần. Luật Thống kê (2003) cũng nhấn mạnh từ "trung thực" tới 07 lần.
Cá biệt, năm 2012 ngành hải quan còn xây dựng "Tuyên ngônphục vụ khách hàng" với các tiêu chí "chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả". Khi đọc lên, người ta thấy được tất cả những yêu cầu cần thiết để có được lòng tin của doanh nghiệp và người dân. Đó là "nhiệt tình, tận tụy với công việc; thông thạo nghiệp vụ, xử lý công việc tuân thủ đúng quy trình, thủ tục quy định; văn minh lịch sự trong hoạt động và ứng xử."
Riêng ngành y tế, dù không phải do văn bản luật hay dưới luật nào quy định, nhưng suốt bao năm nay, gần như tất cả các bệnh viện từ trung ương tới địa phương đều treo cao khẩu hiệu "lương y như từ mẫu" để nhấn mạnh vào thái độ cần có đối với người bệnh.
... Và trong thực tiễn
Thiết nghĩ, chỉ cần làm được một phần của những điều luật, tuyên ngôn, khẩu hiệu này thì chữ "Tín" của chính quyền đã định hình vững chãi trong lòng người dân tự bao giờ. Tuy vậy, chỉ tiếc rằng khi nhìn vào thực tiễn, có những nhiều điều tốt đẹp vẫn chỉ nằm trên văn bản.
Năm 2012, bất chấp những nỗ lực bằng tuyên ngôn và khẩu hiệu, hải quan và y tế vẫn là hai trong số năm ngành có tỷ lệ tham nhũng nhiều nhất. Và chắc hẳn, việc nhóm ngành cảnh sát giao thông đứng đầu bảng xếp hạng tham nhũng, sẽ là một trở ngại đối với việc thực hiện mục tiêu "được nhân dân tin yêu" của lực lượng vũ trang.[1]
Nhiều người sẽ phải đặt câu hỏi không biết ngành thống kê đã thực hiện yêu cầu về sự "trung thực" trong luật ra sao khi vấn đề số liệu được công bố thiếu chính xác, không đáng tin cậy, thậm chí sai lệch giữa các bộ, ngành, địa phương đã trở nên rất đáng báo động. Các chuyên gia kinh tế đã phải thốt lên rằng nếu cứ "nặn" số liệu cho đẹp, nhà điều hành không thể biết thể trạng nền kinh tế và sẽ không thể cứu chữa khi căn bệnh của nền kinh tế đã di căn, bộc lộ ra ngoài.[2]
Đối với ngành giáo dục, câu chuyện buông lỏng quản lý và chất lượng giáo dục, cùng với những tiêu cực trong thi cử khiến chúng ta phải đặt câu hỏi, phải chăng 20 từ "năng lực" trong Luật Giáo dục còn chưa đủ để nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy cũng như đổi mới tư duy giáo dục? Chưa kể, lời hứa hẹn năm nào của lãnh đạo ngành này về việc giáo viên có thể sống bằng lương từ năm 2010 dường như đã chìm vào quên lãng.
Còn câu chuyện y đức của ngành y tế từ lâu đã trở thành vấn đề gây nhức nhối trong dư luận. Mới đây thôi, một lần nữa lòng tin vào hai chữ "từ mẫu" của người dân lại bị thử thách bởi việc một bệnh nhi qua đời do sự tắc trách của kíp trực chỉ được đổi bằng hình thức kiểm điểm hạ bậc thi đua của bác sĩ [3]
Như vậy, cần thẳng thắn thừa nhận rằng sự "tin yêu" của người dân không dành cho những lời nói suông hay những chuẩn mực "mười phân vẹn mười" trong luật pháp mà phải xuất phát từ thực tiễn. Những gì người dân đang hằng ngày chứng kiến không chỉ thách thức sự nghiêm minh của pháp luật mà còn đe dọa xói mòn lòng tin của người dân vào chữ "Tín" mà các cấp, bộ, ngành trong bộ máy công quyền luôn treo cao.
Thực chất, vấn đề xây dựng lòng tin phải xuất phát từ hành động, việc làm cụ thể đối với nhân dân không hề mới, có điều chúng ta đối diện với nó khá muộn màng. Xin được nhắc lại rằng trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ 6 ngày 18/1/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ 'cộng sản' là ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức."
Không nên sợ chữ "Tín"
Một vấn đề khác cần đặt ra, bên cạnh những hiện tượng làm ảnh hưởng tới chữ "Tín" của chính quyền, là thái độ của những người có trách nhiệm trước sự suy giảm niềm tin của nhân dân. Từ trước tới nay, nhiều lãnh đạo thường có xu hướng xuê xoa, lấp liếm mỗi khi động chạm tới vấn đề này. Bởi thế, đã bao năm nay, những kết luận chung chung như "đại bộ phận nhân dân vẫn tin tưởng" đã trở thành một cách nói vô thưởng vô phạt để giữ thể diện và trốn tránh một sự thật. Đó tuyệt đối không phải một cách tiếp cận đúng đắn.
Nên nhớ rằng sự sụt giảm mức độ tín nhiệm của người dân vào chính quyền là vấn đề xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng nhìn vào những nước phát triển nơi mà chỉ số ủng hộ của nhân dân với các chính khách dù có thể rất thấp nhưng vẫn được công khai, chúng ta thấy rằng Việt Nam cần một cách tiếp cận khác.
Sự sụt giảm tín nhiệm không nên được coi như một vấn đề nhạy cảm mà phải trở thành một sự cảnh báo, và cơ quan công quyền cần chấp nhận để từ đó sửa đổi và hoàn thiện cho phù hợp dưới sự giám sát của nhân dân. Niềm tin không thể được xây dựng bằng cách trốn tránh thông qua những lời biện minh về "đại đa số nhân dân" mơ hồ hay bằng những con số đẹp mắt nhưng không trung thực.
Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, điều đầu tiên cần làm để cải thiện niềm tin của nhân dân, từng bước xây dựng và củng cố chữ Tín của cơ quan công quyền có lẽ là sự tôn trọng, tiếp thu những ý kiến đa chiều và một cái nhìn trực diện hơn vào thực trạng niềm tin của người dân.
Khương Duy
Theo VietNamNet