Ai bảo lãnh Chủ tịch Vĩnh Hưng vay hàng trăm tỷ? [03/07/2013]

 

Sau hàng loạt vụ bê bối liên quan đến các dự án bất động sản tầm cỡ ở Hà Nội, mới đây nhất, PC46 Công an Hà Nội đã tiến hành bắt khẩn cấp, khởi tố bị can Nguyễn Hoàng Long về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan công an cũng làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến quá trình huy động vốn, thế chấp dự án để vay vốn đối với ông Nguyễn Hoàng Long.

Một điều đáng quan tâm là đến thời điểm thế chấp dự án để vay vốn, một số dự án của ông chủ Vĩnh Hưng và Vina Megastar chưa được Sở xây dựng Hà Nội cấp phép. Thế nhưng, những bộ hồ sơ này vẫn “lọt” vào hệ thống, dù rằng, quá trình thẩm định năng lực tài chính, năng lực pháp lý là hết sức nghiêm ngặt. Sau khi tiến hành thế chấp các dự án này,  ông Nguyễn Hoàng Long đã vay được hàng trăm tỷ.

Sở Xây dựng TP Hà Nội xác nhận với báo VietNamNet hàng loạt các dự án: 409 Lĩnh Nam, Hesco Văn Quán, C2 Xuân Đỉnh của Công ty cổ phần tập đoàn Vina Megastar (Vina Megastar) đều chưa xin phép và chưa được Sở xây dựng cấp giấy phép xây dựng.

Dự án Hesco Văn Quán từng là niềm hy vọng có nhà ở của nhiều người giờ vẫn là bãi đất hoang.

Một cán bộ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ năm 2012 đến đầu năm 2013, thành phần hồ sơ của các dự án này chưa được nộp về Sở. Theo giải thích của cán bộ này thì những trường hợp như vậy có thể do chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, thiếu các giấy tờ quy hoạch…

Đối với dự án 409 Lĩnh Nam, kết quả giám sát của HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, quá trình triển khai dự án này có quá nhiều nhiều sai phạm: tự điều chỉnh quy hoạch, chưa làm thủ tục điều chỉnh đã triển khai xây dựng...

Thông tin từ đơn vị quản lý dự án 409 Lĩnh Nam – Quận Hoàng Mai – TP Hà Nội cho biết: năm 2011 chủ đầu tư đã cho khởi công dự án dù chưa được cấp phép. Địa phương đã có biên bản xử lý và đã báo cáo lên UBND TP Hà Nội.

Việc nhiều dự án của ông Nguyễn Hoàng Long chưa được cấp phép xây dựng, chưa hoàn thành các nghĩa vụ về pháp lý nhưng vẫn được giải ngân số tiền hàng trăm tỉ khiến dư luận đặt câu hỏi: Động cơ nào khiến ông chủ Vina Megastar được cho vay? Việc giải ngân, cho vay như thế có đúng với quy định của Ngân hàng nhà nước hay không?

Điêu đứng với Vina Megastar

 

Việc ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch HĐTV công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, Vina Megastar bị bắt khiến những khách hàng của các dự án rơi vào hoàn cảnh điêu đứng. Bởi, hàng trăm tỉ có nguy cơ biến mất theo những thương vụ của Nguyễn Hoàng Long.

Nhiều khách hàng cho biết từ năm 2009 họ đã cho Công ty Hạ Long đại diện là ông Phạm Như Quỳnh vay vốn đề kinh doanh dự án 409 Lĩnh Nam. Theo đó, những khách hàng này sẽ được ưu tiên mua căn hộ hình thành trong tương lai của dự án với giá 12 triệu đồng/m2.

Sau gần 3 năm khởi công, dự án vẫn giữ thế “đắp chiếu”. Đến đầu năm 2012 nhiều nhà đầu tư vội vã xin rút vốn khỏi dự án. Tuy nhiên, khi tìm đến Công ty Hạ Long rút vốn thì khách hàng  nhận được câu trả lời: toàn bộ số tiền  đã được chuyển cho Công ty Vĩnh Hưng, muốn đòi thì đến Công ty Vĩnh Hưng mà đòi. Đến Vĩnh Hưng, người đại diện lại thoái thác: qua Hạ Long mà đòi. Cứ thế, quả bóng trách nhiệm được đá đi đá lại, lăn tròn trên quyền lợi của khách hàng.

Dự án 409 Lĩnh Nam được vẽ đẹp lung linh giờ cũng là bãi đất hoang

Một khách hàng tại dự án cho biết: “Tháng 8/2011, tôi có mua lại một “suất” tại dự án với giá hơn 16,5 triệu đồng/m2. Sau một thời gian, phát hiện chủ đầu tư có nhiều dấu hiệu lừa đảo, chúng tôi đã chạy vạy đi đòi lại tiền nhưng vẫn vô vọng. Thậm chí, ông Phạm Như Quỳnh – Công ty Hạ Long còn đem xã hội đen để giải quyết vấn đề với khách hàng.

Thông tin từ khách hàng cho biết đầu năm 2013, nhiều khách hàng nhận được thông báo chuyển hợp đồng đầu tư từ Công ty Hạ Long sang Công ty Vĩnh Hưng đi kèm những điều khoản nửa vời. Trong đó có không ít khách hàng đã thực hiện hợp đồng chuyển đổi.

Một khách hàng khác bức xúc cho biết: “Chuyện doanh nghiệp – ngân hàng lục đục không phải là vấn đề chúng tôi quan tâm. Đó là hoạt động kinh doanh là chuyện nội bộ giữa các bên. Bản thân khách hàng góp vốn vào dự án chỉ biết rằng chúng tôi thực hiện đầy đủ hợp đồng ký kết nhưng đến nay dự án vẫn không thực hiện. Tìm đến Công ty Hạ Long, Công ty Vĩnh Hưng hay phía Megastar để được thanh lý hợp đồng cũng không được.

Khách hàng chúng tôi bị “đem con bỏ chợ”. Vấn đề đặt ra liệu Công ty Vĩnh Hưng có khả năng để thực hiện tiếp các dự án? Và số tiền hàng trăm tỷ đồng khách hàng đã nộp cho Vĩnh Hưng để sở hữu căn hộ tại 409 Lĩnh Nam có được biến thành nhà hoặc trả lại cho khách hàng hay không?”

Hàng trăm tỉ mà khách hàng đầu tư vào các dự án của ông Nguyễn Hoàng Long đang có nguy cơ mất trắng. Hàng trăm tỉ đồng đã được giải ngân cho ông chủ Công ty Vĩnh Hưng bằng việc thế chấp những dự án – dù rằng những dự án này chưa được cấp phép xây dựng khiến dư luận hoài nghi về những thế lực ngầm đã thao túng tiền bạc.

TRÍCH QUY CHẾ CHO VAY  CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG
ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG

(Ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

 

Điều 7. Điều kiện vay vốn

Tổ chức tín dụng xem xét và quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau:

1. Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo  quy định của pháp luật:

a) Đối với khách hàng vay là pháp nhân và cá nhân Việt Nam:

- Pháp nhân  phải có năng lực pháp luật dân sự;

- Cá nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân phải có năng lực pháp luật và  năng lực hành vi dân sự;

- Đại diện của hộ gia đình phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự;

- Đại diện của tổ hợp tác phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự;

- Thành viên hợp danh của công ty hợp danh phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự;

b) Đối với khách hàng vay là pháp nhân và cá nhân nước ngoài phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật của nước mà pháp nhân đó có quốc tịch hoặc cá nhân đó là công dân, nếu pháp luật nước ngoài đó được Bộ Luật Dân sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam quy định hoặc được điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia quy định.

2. Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp.

3. Có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết.

4. Có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng

1. Tổ chức tín dụng có quyền:

a) Yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi, khả năng tài chính của mình và của người bảo lãnh trước khi quyết định cho vay;

b) Từ chối yêu cầu vay vốn của khách hàng nếu thấy không đủ điều kiện vay vốn, dự án vay vốn hoặc phương án vay vốn không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc tổ chức tín dụng không có đủ nguồn vốn để cho vay;

c) Kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;

d) Chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng tín dụng;



liên kết website

đối tác

GIA PHUC SS Sunny mountain TC Kinh tế Châu Á - TBD