Người nặng lòng với cội nguồn Dân tộc [08/05/2013]

Đối diện trước ông, tôi chợt thấy mình nhỏ bé trước những tâm sự, những trải nghiệm đầy thú vị mà không kém phần gian nan cũng như quyết tâm to lớn của một con người đầy tâm huyết với hồn túy của dân tộc, tinh hoa của cha ông. Đồng thời, cũng không khỏi ngạc nhiên trước những kiến thức và am hiểu ngôn ngữ của ông.

 

Bảng Chữ cái Chữ Việt Cổ

 

Ông kể, tìm trong sử sách và nhiều tài liệu cổ,  ta thấy trong hành trình đi tìm chữ Việt cổ, rất nhiều người đã đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu và tính mạng của mình. Có thể kể đến chí sỹ yêu nước Phạm Thận Duật (Yên Mô, Ninh Bình) hay Philip Bỉnh, Trương Định… Rồi ông còn phát hiện ra cả chi tiết lịch sử là có một thứ chữ cổ xưa của người Việt mà chính vua Lê Thánh Tông và vua Lý Bôn muốn khôi phục mà không được.

Từng chi tiết trong lịch sử được hé mở, chẳng hạn như sự kiện năm 178 sau công nguyên, nhà Hán ra lệnh toàn đất Giao Chỉ học chữ Hán, nhà nào giữ chữ Việt cổ đều bị giết hết. Hay như bộ tài liệu “Chữ Thái Tổ Tự” được Tri châu Điện Biên Phạm Thận Duật phát hiện ra từ năm 1855-1856, được NXB Văn hóa biên tập, phiên dịch và in vào năm 2000, hiện còn lưu giữ ở nhiều thư viện. Ông đã bỏ công đối chiếu, so sánh và cân nhắc rất nhiều khi chọn bộ tài liệu này đưa vào diện thử nghiệm. Ông tâm sự:“ Trong nhiều năm, tôi đã về các vùng quê nghiên cứu về ngôn ngữ Việt cổ, cả ngôn ngữ vùng Bách Việt cũ, để tìm cách phá bỏ lớp vỏ ngụy trang và giải mã, khôi phục nguyên hình bộ ký tự đặc biệt này. Từ đó, có cơ sở để có thể đi đến kết luận chắc chắn: Bộ chữ này là bộ chữ Việt cổ nguyên sơ”. Rồi ông tìm về Tây Bắc (vùng Thập Châu xưa), lần đầu tìm được một bản “Phạm Thận Duật toàn tập”, phải mất tới 2-3 năm sau mới phá được các lớp “ngụy trang” của cuốn sách để tìm ra bản chất của vấn đề. Để làm được như vậy, cá nhân ông ngoài am hiểu tiếng Anh, Pháp từ trước thì còn theo học thêm tiếng Bồ, Latinh, tiếng Thái… để lấy đó làm căn cứ phân biệt, phân tích các chữ viết khác nhau.

 

Ông cho biết, từ khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm rồi về công tác tại trường Sa Đéc, Việt Trì, Phú Thọ - “rốn” của kinh đô Văn Lang xưa, trong một đợt khởi công triển khai dự án Khu công nghiệp Việt Trì, trong quá trình đào bới đã phát lộ một di chỉ văn hóa với đầy những dấu tích là các dụng cụ bằng đồng (di chỉ Làng Cả), trong đó có dấu tích của chữ viết. Từ đó, ông quyết tâm nung nấu phải tìm cho ra những dấu tích của sự kiện này để làm sáng tỏ một luận điểm là người Việt cổ của chúng ta có chữ viết của riêng mình.

Ông kể: “Từ những năm 60, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu trong nhiều sách vở, tài liệu không phân biệt Đông Tây kim cổ, miễn là tìm ra các bằng chứng xác đáng. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm đó gần như không đem lại kết quả khả quan nào. Có cảm giác như càng đọc, càng tìm, càng mơ hồ hơn. Nhưng trong sâu thẳm tâm trí tôi lúc nào cũng có một ý nghĩ xuyên suốt thúc giục, chắc chắn sẽ tìm ra được chữ viết của Tổ tiên. Và rồi, ý tưởng mới lóe lên, tại sao ta cứ phải phụ thuộc vào tài liệu nước ngoài, trong khi có thể tìm lại từ chính căn cứ của dân tộc mình, đất nước mình. Từ chính hướng thay đổi này, tôi đã có nhiều phát hiện mới mẻ và ngày càng rõ ràng hơn. Quá trình trở về với nhân dân, đi vào đời sống của nhân dân đã giúp cho tôi nhìn thấy những mảnh vỡ của quá khứ, tạo ra động lực để chúng ta khẳng định lại nguồn cội của cha ông, tổ tiên ta”.

Từng chi tiết trong mạch tâm sự của ông hiện lên một cách sống động và cụ thể đến không ngờ. Và có một điều khá kỳ lạ là quá trình tìm tòi các tư liệu, tài liệu đó, ông không nghĩ mình đủ sức khỏe và điều kiện để đi đến hết chặng đường. Do đó, để lưu giữ và truyền tải đi nhiều nơi, lần nào phát hiện và tìm ra một chứng cứ, ông lại phô tô làm nhiều bản gửi đi khắp nơi, đề phòng trường hợp ông đột ngột “ra đi” trước khi tìm được kết luận cuối cùng, sẽ có nhiều người dựa tiếp vào những tài liệu ông tìm ra đó để tiếp nối hành trình của ông. Có một kỷ niệm ông không bao giờ quên, đó là nợ tiền phô tô quá nhiều đến mức quen mặt với cửa hàng hay phô tô và từ chỗ nghi ngờ, đòi nợ, khi phát hiện ra việc làm ý nghĩa cao cả của ông, họ đồng ý cho nợ và không đòi, khi nào thanh toán cũng được. Còn cả kỷ niệm do thiếu kinh phí để thực hiện các chuyến thâm nhập thực tế, ông đã nhiều lần cầm cố ngôi nhà của mình để vay lãi ngân hàng, lấy đó làm kinh phí đeo đuổi hành trình của mình. Rồi có những lúc ông cầm cố tới cả sổ lương hưu của mình. Ông kể rằng, ông đã đi không biết bao nhiêu cung đường, các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, miền núi, đình, chùa, miếu mạo… Bất cứ khi nào, nơi nào, cứ nghe thông tin có “chữ lạ” là ông lại lên đường.

 

Trong câu chuyện, ông bật mí với tôi một chi tiết khá lý thú, đó là những cuốn sách cổ có ký tự lạ ở Sơn La cũng là một kho chữ Việt cổ với rất nhiều ký tự rải rác. Những chữ này nhìn qua tưởng chữ tượng hình, nhưng thực tế, lại là chữ tượng thanh. Nhiều ký tự trong các cuốn sách dùng để ghi âm tiếng nói của người Việt cổ. Nhiều dân tộc vùng Tây Bắc đã sử dụng, lưu giữ, bảo tồn loại chữ này suốt thời kỳ Bắc thuộc và kéo dài đến khi xuất hiện chữ quốc ngữ, thậm chí đến nay vẫn sử dụng. Để chứng minh được khả năng “ghi âm” của những ký tự này, ông đã phải đi khắp Việt Nam để thực hiện các cuộc ghi âm, phỏng vấn. Ngay khi nghe tin trong Tây Ninh có tộc người Tà Mun từ Tây Nguyên chuyển về, họ tự nhận là dân tộc Việt, ông đã vào Tây Ninh tìm hiểu. Ông Xuyền tin rằng, tộc người này đúng là người Việt cổ, vì họ nói bằng thứ tiếng Việt cổ hoàn toàn không có dấu.

Rồi ông vào Quảng Bình, tìm đến dân tộc Chứt. Ông thấy dân tộc này nhuộm răng đen, xăm trán. Họ ăn thịt gà nướng, canh cua đồng nấu măng, phụ nữ đẻ “nằm bếp” như người Kinh thời xưa. Họ tự xưng là người Alak (người Lạc) và tiếng của họ hoàn toàn không có dấu. A cho (chó), A ka (cá), kuan gôi (Con gái), Mơ (mẹ)… Ông đã sử dụng các ký tự Việt cổ có thể ghi lại được toàn bộ ngôn ngữ của dân tộc này.

Chẳng nói đâu xa, ngay vùng Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất của Hà Nội, người dân vẫn nói không có dấu. Ông đã tìm đến nhiều ngôi làng cổ ở Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình… và phát hiện tại những ngôi làng cổ, ít giao lưu với bên ngoài, người dân vẫn nói bằng thứ ngôn ngữ rất nhẹ, không có thanh. Ông cũng đọc được nhiều tài liệu của các nhà ngôn ngữ nước ngoài nhận xét rằng, thế kỷ 16,17 người Việt Nam nói cứ líu ríu như tiếng chim, chẳng có thanh sắc gì.

Cuộc nói chuyện cùng nhà giáo Đỗ Văn Xuyền đã đem đến cho tôi một cảm nhận rõ ràng, ông là người rất nặng lòng với tinh hoa của dân tộc, yêu lịch sử đất nước. Mấy chục năm trời, công sức và không biết bao nhiêu tiền của, ông đã đổ cả vào những chuyến đi, chỉ với khát vọng chứng minh tổ tiên chúng ta từng có chữ viết. Với sự điềm tĩnh, ông cười và nói: “Tôi thấy mình như anh Đông - Ki - Sốt cứ lao đầu vào cối xay gió, nhưng tôi tin, cuộc hành trình của tôi và tự thân những vết tích từ quá khứ phát lộ sẽ chứng minh tất cả”. Nhưng tôi hiểu, đằng sau nụ cười và phong thái điềm tĩnh đó là cả một hành trình đầy “bão giông”.

Cát Tường - Báo điện tử Đảng Cộng Sản

liên kết website

đối tác

GIA PHUC SS Sunny mountain TC Kinh tế Châu Á - TBD