Nhật ký nghị trường: Mạng và Luật Đất đai [18/06/2013]

Ông Son nói, theo quy định của luật thì khi các cơ quan báo chí có yêu cầu, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin và tạo điều kiện tiếp cận các nguồn tin.

Thông tin phạm nhân Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực ở một số trang mạng xã hội, phóng sự trên VTV cho thấy ông Vũ vẫn mạnh khỏe, việc quản lý thông tin trên mạng xã hội…, đều nằm trong các câu hỏi của phóng viên với Bộ trưởng Son. 

Ông Son nói, theo quy định của luật thì khi các cơ quan báo chí có yêu cầu, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin và tạo điều kiện tiếp cận các nguồn tin. Tuy nhiên, giờ không nên đặt lại vấn đề như thế vì thông tin thì rõ rồi, rất cụ thể, và từ những thông tin rất chính thống như thế mình có thể bình luận thêm để người dân hiểu từ sự thật hoàn toàn như thế mà người ta đã dựng lên thông tin nào là tuyệt thực, sức khỏe rất yếu… Như vậy người dân có quyền nghi ngờ tất cả những thông tin kiểu thất thiệt như vậy trước đây các "thế lực thù địch" đưa ra.  

Vẫn theo Bộ trưởng Son, vấn đề này đã được giao các cơ quan xem xét để tìm ra nguồn gốc ở đâu. Nếu từ các mạng xã hội có tên miền .vn tức có nguồn gốc từ Việt Nam thì mình có thể quản lý, truy nguyên được. Còn các mạng xã hội có nguồn gốc từ nước ngoài hiện hoạt động rất nhiều thì đó là thách thức hiện nay. 

Quản lý thông tin trên mạng cũng là vấn đề được khá nhiều vị đại biểu quan tâm, chuyện về ông Hà Vũ không là ngoại lệ. Tuy nhiên, cũng chỉ thoang thoảng trong trao đổi bên chén trà giờ giải lao hay khi bị cánh báo chí “quấy rầy”. Còn việc chính, vẫn là bàn thảo sửa Luật Đất đai trên hội trường.

Và không ít tiếng thở dài được nén lại trong hàng chục phát biểu được truyền hình phát thanh trực tiếp cả ngày 17/6. Bởi nói như Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân thì Luật Đất đai là một dự án luật rất quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân, có nhiều nội dung phức tạp và còn nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu - những người đại diện cho dân - đâu chỉ có thể nói riêng ý kiến cá nhân mình.

Thống nhất tiếp tục quy định trong Hiến pháp và Luật Đất đai, đất đai là sở hữu của toàn dân, “nhưng để thể hiện ý chí của toàn dân, Quốc hội là người đại diện, tôi đề nghị Quốc hội nên cho lấy phiếu biểu quyết về vấn đề này”, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị.

Mạnh mẽ hơn, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng nếu cần thiết thì tổ chức trưng cầu dân ý, xem nhân dân có đồng ý với quy định đất đai là sở hữu toàn dân hay không.

Nhiều vị đại biểu khác, dù có tiếp tục bàn hay không về sở hữu thì vẫn không giấu được sự xót xa khi thời gian qua việc thu hồi đất ở nhiều nơi khiến nông dân thiệt trăm đường còn một số cán bộ có chức có quyền lại giàu lên nhanh chóng.

Bởi thế, sự cấn cá quanh mấy quy định thu hồi, đền bù, hỗ trợ cứ tăng lên cùng với các phân tích nhiều chiều. Trước khi xin thêm 20 giây sau 7 phút “định mức” đã sử dụng hết để nói cho tròn ý, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã nhấn mạnh đến nỗi thấm thía xót xa của người dân bị thu hồi đất, bởi “thu hồi là thu hồi, có ai hỏi ý kiến của họ đâu”.

Vô số những điều chưa thể yên tâm khác cũng được các vị đại biểu chỉ ra. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì giá đất trong dự thảo lần này vẫn là một điểm nghẽn, thể hiện sự lúng túng của cơ quan soạn thảo, không có bước đột phá căn bản. Các quy định về giá đất trong dự thảo luật vẫn nghiêng nhiều về bảo vệ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu trong việc áp đặt giá đất. 

Ở góc nhìn khác, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, là vấn đề nóng nhất hiện nay vì liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Nhưng có dự án sau khi công bố quy hoạch thì việc triển khai thực hiện cầm chừng cũng có dự án công bố xong thì bị bỏ quên nhiều năm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, nhưng không có ai bị kiểm điểm, xử lý. Nhiều bất cập như vậy nhưng dự thảo luật lại chưa tập trung điều chỉnh một cách căn bản. 

Gần như vấn đề lớn nào cũng còn nhiều băn khoăn, thế nên dù rất mong dự án luật này ra đời sớm vẫn có ý kiến đề nghị lùi thời điểm bấm nút sau khi dự thảo Hiến pháp được thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.

45 đại biểu đã đăng đàn, còn 17 vị đã đăng ký nhưng không còn thời gian phát biểu là những con số được Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân tổng kết sau một ngày thảo luận.

Bà nói, với những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu để làm cơ sở cho việc chỉnh lý và sẽ báo cáo lại Quốc hội để xem xét quyết định.

Chỉ còn chưa đầy bốn ngày nữa là dự án luật này sẽ được đưa ra biểu quyết, theo nghị trình. Cũng lắm long đong mới được đưa vào chương trình xây dựng luật của năm nay, và bây giờ dường như gian nan vẫn chưa dừng lại với dự án luật rất đỗi quan trọng này.
Nguyên Thảo
Theo Vneconomy

liên kết website

đối tác

GIA PHUC SS Sunny mountain TC Kinh tế Châu Á - TBD