Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 2: Trống đồng suýt làm mâm cơm [29/04/2014]
Tượng cóc đúc nổi trên mặt trống đồng nghìn năm tuổi - Ảnh: H.X.H
Cơ may chỉ đến một lần
Một buổi trưa đầu năm 1999, một số cán bộ Phòng VH-TT H.Hiệp Đức (Quảng Nam) đang nằm võng dưới tán cây tránh nắng thì thấy có người đạp xe ngang qua chở theo một vật hao hao giống mặt trống đồng. Anh cán bộ trẻ tên Ngọc liền lao theo, hỏi ra mới biết đấy là “chiến lợi phẩm” sau một buổi rà tìm phế liệu ở khu vực thôn 1B, xã Phước Trà. Nguyễn Minh Trung (quê gốc xã Quế Châu, H.Quế Sơn, người tìm thấy mặt trống đồng) thiệt thà bảo rằng định mang cái mâm tròn tròn này về làm chỗ dọn cơm. Do nằm trong lòng đất quá lâu nên thân trống bể làm nhiều mảnh, chỉ còn phần mặt tương đối nguyên vẹn.
Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích - danh thắng Quảng Nam, người có mặt trong nhóm nghỉ trưa cách đây 15 năm, đã nhiều lần trở lại nơi rà phế liệu để tìm hiểu vì sao trống đồng lưu lạc tận vùng trung du. Nhưng may mắn chỉ đến một lần. Có chăng, các chuyến khảo sát giúp ông Cẩm ghi nhận thêm chi tiết: khu vực này có thể là khu thành đất phân cách 2 miền Kinh - Thượng thời nhà Nguyễn, với vệt đất gồm nhiều đoạn cao chừng 1 m, mỗi đoạn dài 6 - 7 m… Nhanh chóng được Công an H.Hiệp Đức tiếp nhận, mặt trống đồng sau đó chuyển giao Bảo tàng Quảng Nam quản lý, trưng bày. Nghệ nhân làng đúc Phước Kiều (H.Điện Bàn) đã giúp phục chế phần thân, để cổ vật có hình hài trống đồng khi giới thiệu đến công chúng.
Khó giải mã
|
Lý lịch hiện vật mà Bảo tàng Quảng Nam khi mới tiếp nhận ghi trống đồng này “ở vào khoảng thế kỷ 1 trước Công nguyên”. Tuy nhiên, nghiên cứu sau đó của ông Hồ Xuân Tịnh (Phó giám đốc Sở VH-TT-DL) xác định niên đại trống đồng trễ hơn, vào những năm đầu Công nguyên. Trễ hơn, nhưng chí ít đã gần 2.000 năm trôi qua kể từ khi cổ vật này thành hình. “Niên đại của chiếc trống này tương đương với thời kỳ văn hóa Đông Sơn, và việc tìm thấy tình cờ như thế còn chứng tỏ sự phân bố rất rộng của trống đồng ở khu vực Đông Nam Á”, ông Tịnh phân tích thêm.
Những khảo tả chi tiết của giới chuyên môn còn cho thấy chiếc trống đồng có đường kính mặt trống 82,5 cm này thuộc nhóm trống loại II Heger (dựa theo cách phân loại của F.Heger, học giả người Áo chuyên nghiên cứu trống đồng). Hoa văn đúc nổi, hình mặt trời ở giữa mặt trống có 12 tia. Từ trong ra ngoài có 17 vành hoa văn, vành ngoài cùng rất đặc biệt với 4 tượng cóc có đầu nhọn, đúc rỗng được bố trí đối xứng nhau. Ở vòng thứ 9, thật đáng tiếc khi giới chuyên môn không thể đếm chính xác bao nhiêu hình chim Lạc bay ngược chiều kim đồng hồ vì bị hoen gỉ…
Với đường kính lớn gấp 1,5 lần so với 3 mặt trống đồng Heger khác được phát hiện tại Quảng Nam, chiếc trống tại Phước Trà đã gây chú ý đặc biệt. Ba chiếc còn lại đều do dân làng Cơ Noon (xã A Xan, H.Tây Giang) tìm thấy khi đào đất, hoặc được người Kinh và người Lào mang đến đổi trâu. Đều tìm thấy tại miền núi trong khi chưa có tư liệu nào đề cập chuyện các dân tộc thiểu số Quảng Nam từng sử dụng trống đồng như một loại nhạc cụ, vì thế nhiều câu hỏi khó vẫn đang bỏ ngỏ đối với các nhà khảo cổ học, dân tộc học: cơ duyên nào khiến trống đồng nghìn năm tuổi hiện diện tại đây?
Theo TTO