Triều Tiên hâm nóng thị trường vũ khí hạt nhân [22/03/2013]

Mặc dù Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ khởi động các chương trình tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ, nhưng có lẽ điều đáng lo ngại hơn bây giờ chính là nguy cơ Triều Tiên sẽ sẵn lòng bán công nghệ hạt nhân cho các quốc gia mà Washington cho là những nước tài trợ khủng bố. Nỗi lo sợ về những vụ mua bán kiểu này ngày càng gia tăng trong tuần này, sau khi Nhật Bản vừa xác nhận lượng hàng hóa nước này thu giữ hồi năm ngoái, được cho là có nguồn gốc từ Triều Tiên, có chứa các nguyên liệu chế tạo máy ly tâm hạt nhân – công cụ quan trọng làm giàu uranium để làm bom nguyên tử.

Theo chuyên gia về hạt nhân tại Đại học Harvard Kennedy, ông Graham Allison, thông điệp mà Triều Tiên muốn nhắn gửi chính là: “Tại đây có bán vũ khí hạt nhân”.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Triều Tiên đã tiến hành phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh, nhưng Liên Hợp Quốc lại cho rằng đây chỉ là vỏ bọc cho việc thử công nghệ đạn đạo. Vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 3 vào ngày 12/2 đã khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt cấm vận mới lên Bình Nhưỡng.

Các chuyên gia hạt nhân trên thế giới cho rằng Triều Tiên có đủ nguyên liệu để chế tạo vài quả bom thô, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy Bình Nhưỡng đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, ngay lúc này, Bình Nhưỡng có thể hỗ trợ các quốc gia khác phát triển công nghệ hạt nhân giống như những gì mà nước này được cho là đã từng làm trong quá khứ.

Ông Joel Wit, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu tại một cuộc hội thảo hạt nhân vừa diễn ra ở Seoul, Hàn Quốc rằng: “Năng lực kỹ thuật và sự tự tin để bán vũ khí và công nghệ ra nước ngoài của Triều Tiên ngày càng gia tăng mà không lo bị trả đũa, và sự tự tin đó được cho là bắt nguồn từ tiềm lực hạt nhân ngày càng lớn mạnh của nước này.”

Bình Nhưỡng tuyên bố họ cần vũ khí hạt nhân vì cái được gọi là chính sách thù địch của Mỹ nhằm vào Triều Tiên. Một phát ngôn viên giấu tên của Bộ Ngoại Giao Triều Tiên hôm qua cảnh báo sẽ tấn công quân sự nếu Mỹ tiếp tục các cuộc diễn tập với máy bay ném bom B-52 tại Hàn Quốc.

Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác cho rằng mục đích của Triều Tiên khi đưa ra những lời đe dọa chiến tranh như vậy là viện trợ, cũng như những sự nhượng bộ có tính thực tế khác. Ngay cả Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên, cũng phản đối tham vọng hạt nhân của nước này.

Nhà phân tích Shin Beomchul tại Viện phân tích quốc phòng Triều Tiên ở Seoul cho rằng việc bán hạt nhân sẽ giúp nước này kiếm một khoản tiền để lại tiếp tục đầu tư phát triển vũ khí. Năng lực hạt nhân ngày càng vững mạnh có thể giúp Triều Tiên trở lên “đắt khách” hơn, đặc biệt là nếu nước này thực sự dùng được uranium có độ làm giàu cao trong vụ thử tháng trước.

Quan ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng từ cuối năm 2010 khi Triều Tiên xác nhận hoạt động làm giàu uranium mà thế giới đã nghi ngờ nước này thực hiện từ lâu. Hai vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006 và 2009 được cho là sử dụng nguồn dự trữ plutonium ít ỏi của nước này. Một quả bom uranium thô dễ sản xuất hơn bom plutonium và sản xuất uranium cũng dễ che giấu hơn.

Tuy không có nhiều thông tin về chương trình sản xuất uranium của Triều Tiên, nhưng có hai điều mà Mỹ và các nước quan tâm hiện vẫn chưa có giải đáp. Đó là liệu có phải nước này đang sản xuất uranium làm giàu cao là để chế tạo bom và liệu uranium có được sử dụng trong vụ thử hạt nhân lần thứ ba vừa qua không.

Một vụ thử hạt nhân sử dụng uranium làm giàu cao “sẽ là thông điệp cho toàn thể thế giới – bao gồm cả những khách hàng tiềm năng – rằng Triều Tiên đang vận hành một dây chuyền sản xuất nguyên liệu vũ khí hạt nhân mới và chưa được khám phá,” chuyên gia hạt nhân Allison nhận định trên trang The New York Times sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Các quan chức Mỹ cũng nói bóng gió rằng sẽ có những hành động đáp trả nếu Washington phát hiện Triều Tiên dính líu đến bất kỳ vụ tấn công hạt nhân nào nhằm vào Mỹ hay đồng minh của Mỹ.

Tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Barack Obama, Tom Donilon, tuyên bố sự chuyển giao công nghệ hạt nhân và sử dụng bất kỳ vũ khí hàng loạt của Bình Nhưỡng “được cho là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ và đồng minh, và chúng tôi sẽ buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hậu quả của các hành vi đó.”

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, trong tháng 11/2012, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran đề nghị giám sát vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, sau khi dẫn nguồn tin mật ngoại giao phương Tây về mối quan hệ Bình Nhưỡng-Tehran.

Triều Tiên được cho là đã giúp Syria xây dựng cái mà các nhân viên tình báo cấp cao Mỹ gọi là lò phản ứng hạt nhân bí mật để sản xuất plutonium. Trong năm 2007, máy bay Israel ném bom khu vực này trong một sa mạc hẻo lánh ở Syria.

Chính phủ Nhật Bản hôm 18/3 cho biết đã xác định một lô hàng có khả năng từ Triều Tiên vi phạm lệnh cấm vận của LHQ vì nó chứa vật liệu mà có thể được sử dụng để làm máy ly tâm hạt nhân.

Lô hàng chứa hợp kim nhôm bị thu giữ từ một tàu mang cờ Singapore quá cảnh Tokyo hồi tháng 8 năm ngoái. Theo giới truyền thông, con tàu đang trên đường tới Myanmar từ cảng Đại Liên, Trung Quốc, nhưng chính phủ Nhật Bản không cho rằng điểm đến của con tàu là Myanmar.

Chánh văn phòng Nội các Nhật, ông Yoshihide Suga cho biết, Tokyo cho tìm kiếm con tàu bởi vì họ tin rằng nó vận chuyển lô hàng của Triều Tiên. Theo một số nguồn tin, chính Mỹ đã thông báo cho Nhật Bản điều này. Ông Suga cũng cho biết thêm rằng theo các phân tích ngay sau đó, những thanh hợp kim nhôm này có thể được dùng để chế tạo các máy ly tâm hạt nhân.

Ông Suga cho biết đây là vụ việc đầu tiên kiểu này, sau khi một đạo luật đặc biệt được Nhật Bản thông qua năm 2010. Đạo luật này cho phép kiểm soát những động thái của các tàu thuyền chở nguyên liệu có thể được sử dụng trong các chương trình hạt nhân và tên lửa nhập cảnh hoặc xuất cảnh từ Triều Tiên.

Sự mù mờ về việc bí mật buôn bán vũ khí hạt nhân đang là mối lo ngại lớn nhất. Rất khó có thể biết cách thức mua bán nguyên liệu và công nghệ hạt nhân, hay điểm đến của những nguyên liệu này sau khi được bán.

Cựu quan chức ngoại giao cao cấp Mỹ Robert Gallucci, người tham gia đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên trong những năm 1990, đã nhận định tại Seoul hồi cuối tháng trước rằng: “Mối đe dọa khủng bố từ một thiết bị hạt nhân tự chế được gửi nặc danh và theo một cách chưa từng thấy bao giờ, bằng một con thuyền hoặc một chiếc xe tải chạy qua đường biên giới dài và không có phòng bị quân sự, là một trong những điều thúc đẩy những hành động răn đe hay đáp trả quân sự mạnh mẽ hơn”.

“Đối với người Mỹ, mối đe dọa này nghiêm trọng hơn các mối đe dọa mơ hồ rằng một ngày nào đó Triều Tiên sẽ phóng tên lửa đạn đạo mang theo vũ khí hạt nhân,” ông cho hay.

 

Hoàng Uyên (theo AP)

liên kết website

đối tác

GIA PHUC SS Sunny mountain TC Kinh tế Châu Á - TBD