Dân Trung Quốc nghĩ đủ cách để ăn sạch [11/06/2013]

Ăn chay đang trở thành trào lưu của những người dân thành thị chú trọng vấn đề sức khỏe ở Trung Quốc.
Sau hàng loạt những vụ bê bối thực phẩm bẩn xảy ra trong những năm gần đây, không có gì là ngạc nhiên khi người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm tới vấn đề an toàn của những thứ được đưa lên bàn ăn hàng ngày. 

Trong một cuộc trò chuyện với báo Wall Street Journal, ông Davis Laris, một đầu bếp chuyên phục vụ trong các nhà hàng cao cấp ở Thượng Hải cho biết, nếu một gia đình 4 người ở thành phố này chỉ dùng thực phẩm hữu cơ, loại thực phẩm sạch và đảm bảo an toàn, thì số tiền phải chi để mua thực phẩm lên tới 600 USD/tuần. Số tiền này có thể là quá lớn so với ngân sách của nhiều hộ gia đình ở Trung Quốc.

Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, các bác sỹ và người tiêu dùng Trung Quốc đã cùng nghĩ ra những cách giảm tiêu thụ thực phẩm độc hại mà không ảnh hưởng đến túi tiền.

Một trong những bí quyết đầu tiên để ăn sạch ở Trung Quốc là cần biết rõ nguồn gốc thực phẩm.

Ông Larris cho hay, ông không thể vận hành một nhà hàng làm ăn có lãi nếu chỉ bán toàn thực phẩm hữu cơ, vì như thế sẽ rất đắt đỏ. Do đó, ông kết hợp sử dụng cả thực phẩm nhập khẩu và những nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng ở địa phương.

Ở Trung Quốc có một nghịch lý là, quá trình đô thị hóa ở nước này đang diễn ra với tốc độ cao, nhưng người thành thị Trung Quốc giờ lại muốn từ trồng rau và cấy lúa, tự làm bánh mỳ và sữa chua. Một số nhà hàng đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng này để tạo lòng tin cho khách hàng. Một nhà hàng có tên Urban Harvest (mùa thu hoạch ở thành thị) đã trồng nấm và đậu ngay trong nhà hàng.

Các loại thịt nhập khẩu có thể khá đắt đỏ. Nhưng giữa thịt gà giá 5 USD/con ở chợ bình dân và thịt gà nhập từ pháp giá 20 USD/con, rõ ràng là có một phân khúc riêng. Công ty Wu Feng Butchers, một nhà phân phối thịt bò và thịt lợn có nguồn gốc từ đại lục tại Hồng Kông, giờ cũng phục vụ thị trường đại lục những sản phẩm thịt có chất lượng xuất khẩu do nhu cầu tăng mạnh.

Ăn uống tại nhà hoặc mang theo hộp cơm trưa tới cơ quan đã trở thành xu hướng mới trong các công sở Trung Quốc. Cô Laura Zhang, một nhân viên văn phòng ở Thượng Hải cho biết, cô không còn tin tưởng các nhà hàng ở Trung Quốc nữa, ngay cả các nhà hàng trong khách sạn 5 sao, kể từ sau vụ bê bối dầu ăn vớt từ cống bị vỡ lở.

Trong vụ bê bối đó, dầu mỡ trong các thùng rác của nhà hàng hoặc thậm chí vớt từ cống rãnh được đem tái chế rồi bán như dầu ăn bình thường. Cô Zhang cho biết, khi gia đình cô ăn uống ở bên ngoài, họ thường gọi bánh pizza vì loại bánh này ít có khả năng dùng dầu ăn trong nước hơn.

Nguyên tắc để ăn sạch mà tiết kiệm thứ hai được nhiều người Trung Quốc áp dụng là tập trung vào những thực phẩm mà họ tiêu thụ nhiều nhất.

Sữa cho trẻ em là mặt hàng mà hầu hết mọi người không muốn tiết kiệm, vì thế người Trung Quốc thương ưu tiên mua hàng nhập ngoại. Ngành công nghiệp sữa của Trung Quốc đến nay vẫn chưa hồi phục kể từ vụ bê bối sữa bột nhiễm melamine vào năm 2008 khiến 300.000 em bé bị ốm và 6 em bị chết.

Giá sữa công thức nhập ngoại dành cho trẻ em ở Trung Quốc có thể đắt gấp đôi sữa nội. Nhiều thương hiệu sữa nội giờ đã sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu nhưng vẫn đảm bảo mức giá phải chăng, nên thu hút được một lượng khách hàng nhất định là những người có hầu bao hạn hẹp hơn.

Gạo là một mặt hàng thực phẩm khác mà người Trung Quốc tiêu thụ với khối lượng lớn. Tháng trước, nhà chức trách thông báo, gần một nửa số mẫu gạo được kiểm tra ở Quảng Châu có hàm lượng chất độc cadmium vượt ngưỡng cho phép, khiến dư luận cả nước Trung Quốc lo ngại. Nhiều người đã chuyển sang mua gạo nhập khẩu, bất chấp giá cao hơn. Giá gạo nhập từ Thái Lan bán ở Thượng Hải là 3 USD/kg, đắt gần gấp rưỡi so với giá ở Hồng Kông.

Máy lọc nước giờ đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong nhiều gia đình Trung Quốc. Các loại máy lọc hiện đại, đắt tiền cũng được ưa chuộng, vì so với việc mua nước đóng chai, sắm một chiếc máy lọc như vậy rẻ hơn nhiều mà vẫn hiệu quả.

Để đảm bảo được ăn sạch, người Trung Quốc còn chọn cho mình cùng lúc nhiều nhà cung cấp thực phẩm khác nhau. Các bà nội trợ rỉ tai nhau rằng, không nên lúc nào cũng mua thực phẩm ở một nơi, cho dù đó là một thương hiệu phương Tây đáng tin cậy.

Năm 2011, một số cửa hiệu Wal-Mart ở Trung Quốc đã bị các nhà chức trách Trùng Khánh cáo buộc là dán sai nhãn thịt lợn thường thành thịt “hữu cơ”. Vụ việc đã khiến 13 cửa hiệu Wal-Mart bị đóng cửa tạm thời và bị phạt gần 600.000 USD. Kể từ đó, Wal-Mart đã thực hiện một chiến dịch cải tổ bộ máy quản lý các cửa hiệu ở Trung Khánh và thực hiện một hệ thống an toàn thực phẩm trong toàn bộ các cửa hiệu của hãng này tại Trung Quốc.

Cắt giảm ăn thịt là một cách khác để người Trung Quốc tránh thực phẩm bẩn. Một vài trong số những vụ bê bối thực phẩm tồi tệ nhất xảy ra ở Trung Quốc liên quan đến thịt. Trong đó phải kể tới vụ hàng ngàn con lợn chết thả trôi sông ở Thượng Hải, hay vụ thịt chuột được “hô biến” thành thịt cừu. Mặc dù rau không thể tránh khỏi tất cả những vấn đề an toàn vệ sinh như đất trồng nhiễm độc hay thuốc trừ sâu, thuốc kích thích… nhưng rau ít có khả năng chứa hàm lượng chất kháng sinh và hormone tăng trưởng lớn như ở thịt.

Bởi thế, ăn chay đang trở thành trào lưu của những người dân thành thị chú trọng vấn đề sức khỏe ở Trung Quốc, mặc dù chưa thực sự phổ biến trên cả nước này. Thậm chí, nguyên Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng đã đề xuất một chiến dịch ăn chay 1-2 ngày mỗi tuần trên toàn quốc.

Tránh hoàn toàn thực phẩm bẩn ở Trung Quốc hiện còn là một việc khó đối với người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những người tiêu dùng khôn ngoan ở nước này vẫn có thể cải thiện được an toàn thực phẩm mà vẫn đảm bảo được ngân sách cho gia đình.
An Huy
Theo Vneconomy

liên kết website

đối tác

GIA PHUC SS Sunny mountain TC Kinh tế Châu Á - TBD