Báo quốc tế theo sát việc lấy phiếu tín nhiệm ở Việt Nam [12/06/2013]

Có tổng cộng 47 vị được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm ở quốc hội.

Các hãng thông tấn lớn như Bloomberg, AP, AFP, Reuters, BBC đều có bài viết trước và sau khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, kèm với bình luận và phân tích của các học giả nước ngoài cũng như bản thân các đại biểu quốc hội Việt Nam. Những bài này được đăng lại rộng rãi trên các báo chí khác, từ ABC News, Fox News, Boston Globle, Washington Post đến France 24, Bangkok Post, Straits Times, Global Post...

"Đây là lần đầu tiên có một cuộc bỏ phiếu như vậy ở Việt Nam", và "Đây là một sự thay đổi" là các nội dung mà báo chí nước ngoài nhấn mạnh.

Bloomberg

Thủ tướng Việt Nam và 46 quan chức cấp cao khác của đất nước sẽ được soi xét kỹ lưỡng khi Quốc hội 498 thành viên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên.

Hoạt động này đã được thông báo vào tháng 11 năm ngoái với mục tiêu thúc đẩy trách nhiệm giải trình lớn hơn của giới lãnh đạo.

Việc bỏ phiếu diễn ra trong khi chính phủ đang cố gắng tái cơ cấu khối ngân hàng vốn bị kẹt trong nợ xấu, và buộc các công ty nhà nước phải hoạt động hiệu quả hơn.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói rằng các nhà lập pháp "háo hức nhưng cũng quan ngại về kết quả bỏ phiếu vì chúng tôi không có đủ thông tin cho đại biểu để phán xét về các quan chức".

"Tuy nhiên, chỉ riêng việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đã là một điều tốt".

Jonathan London, trợ lý giáo sư thuộc khoa Châu Á và Quốc tế học tại Đại học City Hong Kong, cho rằng việc bỏ phiếu này tương tự với những gì được thấy ở phương tây.

"Nó cho thấy hệ thống chính trị của nước này đang tiến triển một cách đáng khích lệ", London bình luận.

Reuters

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này diễn ra sau lời kêu gọi của Chủ tịch nước năm ngoái nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình, trong bối cảnh dân chúng bất bình với tình trạng tham nhũng và quản lý kém.

Các đại biểu quốc hội sử dụng ba mức đánh giá gồm "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp". Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giành 330 phiếu tín nhiệm cao và chỉ 28 phiếu tín nhiệm thấp.

Người phải nhận nhiều phiếu "tín nhiệm thấp" nhất là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Kết quả lấy phiếu phản ánh "thực tế cuộc sống và những vấn đề cấp thiết, phản ánh một phần bức xúc của người dân", đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Ông Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động, nhà kinh tế học, nhận xét: "Kết quả này phản ánh sự bức xúc của người dân đối với hoạt động quản lý kinh tế và hệ thống ngân hàng".

Associated Press

Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận nhận 177 phiếu tín nhiệm thấp. Điều đó cho thấy rằng ngoài kinh tế, thì công chúng đang quan ngại đối với chất lượng giáo dục phổ thông và đại học.

Edmund Malesky, chuyên gia về Việt Nam thuộc Đại học Duke, Mỹ, đánh giá cao việc quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. "Việc bỏ phiếu thực sự cho thấy các đại biểu quốc hội đang làm công việc của mình".

Jonathan London của Đại học City Hong Kong cho rằng việc bỏ phiếu bầu cho thấy "Việt Nam đang lập nên một tiến trình riêng của họ, dù với tốc độ chậm". Ông dự đoán rằng một sự kiện tương tự sẽ khó mà xảy ra ở Trung Quốc, nước láng giềng có cùng hệ thống chính trị như Việt Nam.

"Đối với một chính đảng vốn có truyền thống cho rằng các nhà lãnh đạo của mình là xuất sắc và ưu tú, đây là một sự thay đổi".

 

Trọng Giáp

Theo Vnexpress

liên kết website

đối tác

GIA PHUC SS Sunny mountain TC Kinh tế Châu Á - TBD